(QNO) - Nhiều quốc gia khu vực Đông Nam Á sử dụng công nghệ tiên tiến để làm thẻ căn cước cho công dân, không chỉ đảm bảo chống làm thẻ giả mà còn giúp tích hợp nhiều thông tin cần thiết, đơn giản hóa giấy tờ…
Malaysia
Vào năm 2001, Malaysia trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới sử dụng căn cước công dân (ID) hay thẻ chứng minh thư thông minh với tên gọi MyKad. Thẻ kết hợp cả nhận dạng hình ảnh và dữ liệu sinh trắc vân tay trên một con chip tích hợp trong thẻ nhựa.
Ngoài vai trò là giấy tờ tùy thân chính thức theo quy định mà mọi công dân từ 12 tuổi trở lên ở Malaysia đều phải có, thẻ MyKad được sử dụng như để truy cập các dịch vụ của các cơ quan chính phủ, khám bệnh, thẻ giao thông vận tải và thậm chí như một ví điện tử…
MyKad còn có các thông tin sức khỏe cơ bản như nhóm máu, tiền sử cấy ghép nội tạng, tiền sử dị ứng, hoặc bệnh mãn tính. ID số được đánh giá như một nền tảng không thể thiếu cho sáng kiến chính phủ số.
Philippines
Năm 2020, người dân Philippines bắt đầu thực hiện đăng ký hệ thống nhận diện quốc gia mà Chính phủ nước này hy vọng sẽ thúc đẩy thanh toán điện tử và giúp người có thu nhập thấp không có tài khoản ngân hàng tiếp cận các dịch vụ tài chính dễ dàng hơn.
Theo đó, tất cả công dân và người nước ngoài cư trú tại Philippines phải đăng ký các thông tin như tên, giới tính, ngày sinh, nơi sinh, nhóm máu, địa chỉ và quốc tịch. Dữ liệu sinh trắc học - dấu vân tay, ảnh khuôn mặt và quét mống mắt cũng sẽ được lưu trữ.
Hệ thống sẽ cấp cho mỗi người một mã số duy nhất có thể được sử dụng trên các cơ quan. Các quan chức từ cơ quan thống kê Philippines sẽ đến nhà để thu thập thông tin cá nhân và sẽ hoàn tất quy trình trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Rodrigo Duterte kết thúc vào tháng 6.2022. Tuy nhiên, hệ thống dự kiến bắt đầu hoạt động vào nửa cuối năm 2021 cho các dịch vụ như cấp thị thực.
Indonesia
Kể từ năm 2011, người Indonesia được sở hữu chứng minh thư điện tử được gọi là e-KTP. Thẻ e-KTP được cấp khi công dân đủ 17 tuổi, được làm bằng 9 lớp, có chứa một vi mạch nhúng hiện đại hay chip ghi các dữ liệu nhân trắc bao gồm dấu vân tay và hình dạng đồng tử của mắt và 1 số sê-ri duy nhất, có thể được sử dụng cho nhiều ứng dụng trong các dịch vụ của Chính phủ.
Thẻ e-KTP là cơ sở để cấp hộ chiếu, giấy phép lái xe, mã số nhận diện người nộp thuế, chính sách bảo hiểm, giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và các giấy tờ tùy thân khác. Trong số các dữ liệu cá nhân còn có họ tên, năm sinh, tôn giáo, nghề nghiệp, địa chỉ...
Khi kết hôn, người Indonesia phải đi làm lại chứng minh thư vì tình trạng kết hôn được quy định phải ghi trên tấm thẻ này.
Đối với công dân Indonesia, thẻ có giá trị suốt đời. Đối với người không phải công dân Indonesia, thời hạn sử dụng của thẻ giống như thời hạn của giấy phép cư trú. Việc triển khai e-KTP cũng cải thiện các dịch vụ của Chính phủ và điều tra dân số, cũng như giảm gian lận và giám sát các mối đe dọa an ninh.
Singapore
Việc triển khai hệ thống nhận diện kỹ thuật số quốc gia (NDI) là nền tảng của tầm nhìn quốc gia thông minh của Singapore. NDI lưu giữ thông tin sinh trắc học của công dân Singapore, bao gồm dấu vân tay, mống mắt và các bản ghi trên khuôn mặt, giọng nói. Bên cạnh đó là các thông tin cá nhân như tên tuổi, giới tính, địa chỉ, nhóm máu và hình ảnh…
NDI là bắt buộc đối với tất cả người dân Singapore, có thể được sử dụng cho các giao dịch trong cả khu vực công và tư nhân. Chính phủ Singapore hợp tác với các bên liên quan khác để đảm bảo rằng các tổ chức có thể kết nối hài hòa các dịch vụ với nền tảng sinh trắc học tập trung.