Thể dục thể thao Hội An: Cần tạo bề nổi lẫn chiều sâu

ĐỖ HUẤN 12/07/2017 08:01

Nhìn lại quá trình phát triển sự nghiệp thể dục thể thao (TDTT) ở Hội An những năm gần đây, nhiều người dân thành phố yêu thích và hâm mộ TDTT vẫn... “ước gì trở lại ngày xưa”.

Niềm vui đoạt cúp vô địch giải bóng đá Larue Cup năm 2015 của đội bóng Hội An. Ảnh: Đ.H
Niềm vui đoạt cúp vô địch giải bóng đá Larue Cup năm 2015 của đội bóng Hội An. Ảnh: Đ.H

Chưa quan tâm đúng mức

Không ai có thể quên mà ngược lại luôn tự hào về danh tiếng đội bóng một thời mang tên “Công đoàn ô tô vận tải Hội An”, sau này đổi tên thành “Giao thông vận tải Hội An”, từng vô địch giải hạng B toàn quốc, thăng hạng A2 (tức là hạng nhất hiện nay), đồng thời từng đóng góp nhiều cầu thủ xuất sắc làm nòng cốt cho đội tuyển bóng đá Quảng Nam - Đà Nẵng thi đấu giao hữu với đội tuyển các nước XHCN trước đây. Ngoài ra, đội bóng còn gặt hái nhiều thành tích đỉnh cao cấp tỉnh, khu vực và quốc gia trong các môn đua ghe, võ thuật, bơi lội, bóng rổ… Tâm lý tiếc nuối đôi khi cũng để lại những dư vị buồn và tăng thêm khát vọng vươn lên, hướng tới đỉnh cao, tầm cao mới.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Trưởng phòng VH-TT TP.Hội An cho rằng, mặc dù tỷ trọng ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí xã hội dành cho TDTT có xu hướng tăng qua từng năm nhưng chưa tương xứng với yêu cầu. Khoảng trên dưới 1 tỷ đồng hằng năm từ ngân sách, trừ các khoản chi lương, còn lại kinh phí chi cho các hoạt động TDTT chẳng là bao. “Không biết tôi nói có quá lời hay không nhưng mảng văn hóa và thể thao thiếu đồng bộ, thiếu cân bằng. Chúng ta tập trung cho văn hóa, du lịch nhiều hơn nên văn hóa và du lịch phát triển trội hơn” - ông Lanh tỏ bày.

Kinh phí chi thường xuyên không cao, việc đầu tư xây dựng các công trình, thiết chế phục vụ hoạt động cũng chưa xứng tầm. Đã 30 năm qua (tính từ những năm đầu 80 thế kỷ trước), ngoài trừ Nhà thi đấu cầu lông được xây dựng vào năm 2002 với tổng kinh phí 700 triệu đồng và sân vận động thành phố được chỉnh trang (tô bậc ngồi, tường rào, cải tạo nền đất và trồng cỏ) vào năm 2010 với kinh phí gần 1 tỷ đồng, chưa có một công trình TDTT mới nào được xây dựng bề thế hơn. Theo nhìn nhận của một số cán bộ chuyên môn và liên ngành, hiện nay đất quy hoạch dành cho hoạt động TDTT ở 13 xã phường chưa đảm bảo, diện tích bình quân đầu người chưa đạt yêu cầu đề ra. Toàn thành phố có khoảng hơn 60 sân bóng chuyền và cầu lông, phần lớn tập trung ở các thiết chế văn hóa thôn, khối phố nhưng hầu hết là sân ngoài trời và ít hoạt động. Môn bóng đá có hơn 20 sân (từ 5 người đến 11 người) nhưng điều kiện dành cho luyện tập, thi đấu ở các sân không đảm bảo. Các trường học cũng thiếu sân bãi, phòng tập, dụng cụ phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và nhu cầu tập luyện, thi đấu, vui chơi giải trí của học sinh, sinh viên.

Xã hội hóa nguồn lực

Thành phố có hơn 60 câu lạc bộ TDTT như võ thuật, bóng đá, cầu lông, dưỡng sinh, thể hình, bi-da, yoga, patin, bóng rổ, cờ tướng, quần vợt, thể dục thẩm mỹ... nhưng hoạt động thiếu thường xuyên, tầm ảnh hưởng hoạt động còn hạn hẹp. Chi hội võ thuật và hội cầu lông thành phố được thành lập đã lâu nhưng hiệu quả hoạt động còn hạn chế, còn bị động, phụ thuộc vào sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. Mức huy động đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ để tổ chức các giải đấu cấp thành phố cũng như cấp xã phường đạt thấp. Là một địa phương giàu truyền thống và có phong trào TDTT mạnh của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ) và tỉnh Quảng Nam sau 20 năm tái lập nhưng thành tích thi đấu của các đoàn vận động viên thành phố những năm gần đây chưa thực sự thỏa lòng mong đợi của người hâm mộ ở thành phố.

Nhiều người cho rằng, các môn TDTT vốn là thế mạnh của Hội An một thời như võ cổ truyền, đua thuyền, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, múa thiên cẩu, múa lân - sư - rồng... có nguy cơ bị mai một dần. Ông Nguyễn Văn Dũng - Chủ tịch UBND thành phố xác định, cần chú trọng phát triển phong trào TDTT quần chúng nhưng cũng cần phải nâng cao thành tích thể thao đỉnh cao thì Hội An mới xứng tầm. “Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động đóng góp xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho tập luyện TDTT; đào tạo tài năng thể thao, tập trung đầu tư một số môn thể thao là thế mạnh của địa phương, có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với các đội tuyển, các vận động viên xuất sắc đạt thành tích cao khi tham gia thi đấu ở các giải cấp trên” - ông Dũng nói. Sự nghiệp TDTT có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, mở rộng giao lưu hợp tác với bạn bè quốc tế nên Hội An cần có chiến lược phát triển TDTT lâu dài để xứng tầm là một thành phố sinh thái, văn hóa và du lịch của quốc gia và quốc tế.

ĐỖ HUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thể dục thể thao Hội An: Cần tạo bề nổi lẫn chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO