(QNO) - Việt Nam vượt qua Trung Quốc để nổi lên như một điểm đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hấp dẫn, trở thành một trung tâm sản xuất giá rẻ mới trong chuỗi cung ứng của châu Á.
Trong số ra ngày 14.1 vừa qua, trang tin eurasiantimes.com trích báo cáo của The Economist Intelligence Unit (Bộ phận phân tích kinh tế - EIU) thuộc Tập đoàn The Economist (Anh) cho biết, các yếu tố giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của châu Á là nhờ vào động lực khuyến khích các doanh nghiệp quốc tế thành lập các đơn vị sản xuất sản phẩm công nghệ cao, đội ngũ lao động chi phí thấp và gia tăng số lượng các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết.
Hiệp định thương mại tự do gần đây giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) mang lại lợi ích cho Việt Nam khi Liên minh châu Âu dỡ bỏ 85% thuế quan đối với hàng hóa Việt Nam vào năm 2020.
Việt Nam đăng ký FDI trị giá hơn 12 tỷ USD từ tháng 1 đến tháng 4.2020. Ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành toàn cầu, Việt Nam vẫn thu hút được 21,2 tỷ USD đến tháng 9.2020, tương đương 81,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
EIU nhấn mạnh: “Việc Việt Nam trở thành thành viên của các hiệp định thương mại tự do thể hiện một điểm mạnh trong quan hệ thương mại, giảm chi phí xuất khẩu”. Bên cạnh đó, Việt Nam được đánh giá là “điểm sáng kinh tế” năm 2021.
Ông Ruchir Sharma - chiến lược gia trưởng toàn cầu của Bộ phận quản lý đầu tư thuộc ngân hàng đầu tư đa quốc gia Morgan Stanley nhận định, FDI của Việt Nam đạt trung bình hơn 6% GDP, là tỷ lệ cao nhất ở bất kỳ quốc gia mới nổi nào. Cũng nhờ đó, Việt Nam trở nên thân thiện với nhà đầu tư,
Chính chi phí lao động cao hơn ở Trung Quốc sau năm 2013 dẫn đến việc giảm nguồn vốn FDI tại nước này và phân bổ sang các nước châu Á khác. Hơn nữa, sự nổi lên của Việt Nam như một trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc trước một cuộc chiến thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Tờ Financial Express của Ấn Độ nhận xét, Việt Nam đã nổi lên như một trung tâm sản xuất chi phí thấp, đánh bại Ấn Độ và thậm chí cả Trung Quốc về các chỉ số, bao gồm chính sách FDI, chính sách ngoại thương và kiểm soát hối đoái.
Trong khi đó, Việt Nam luôn có các chính sách luôn thay đổi theo nhu cầu thị trường. Những thay đổi mạnh mẽ trong môi trường đầu tư và kinh doanh giúp Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với FDI.
Qua đó, EIU nhắc lại, sự ổn định chính trị - xã hội và cơ cấu dân số đã giúp giành được niềm tin của các nhà đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Còn theo kinh tế trưởng của Mekong Economics - ông Adam McCarty: Chiến thắng tương đối của Việt Nam trong năm 2020 sẽ trở thành lợi thế về lâu về dài. Một số công ty Nhật và tập đoàn Mỹ Apple chuyển dịch một phần sản xuất sang Việt Nam. Cách xử lý dịch corona đã gần như khiến Việt Nam trở nên nổi tiếng trên thế giới cũng như giúp những tập đoàn lớn có một cái nhìn khác về Việt Nam.