(QNO) - Sáng nay 27/6, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) chính thức khai mạc.
Hội nghị WEF Thiên Tân hay còn gọi "Diễn đàn Davos mùa hè" là sự kiện có quy mô lớn thứ hai của WEF sau hội nghị thường niên tại Davos, Thụy Sĩ.
Hội nghị WEF Thiên Tân năm nay có chủ đề "Tinh thần kinh doanh: Động lực của nền kinh tế toàn cầu", thu hút sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu là lãnh đạo cấp thủ tướng/bộ trưởng của 21 quốc gia và lãnh đạo của 850 tập đoàn, tổ chức toàn cầu. Việt Nam là một trong 5 nước được lựa chọn mời tham dự ở cấp thủ tướng chính phủ.
Sự kiện năm nay diễn ra trong 3 ngày từ 27 - 29/6 và được tổ chức trực tiếp sau 3 năm thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Hội nghị tập trung thảo luận 6 vấn đề chính: tái cấu trúc tăng trưởng, Trung Quốc trong bối cảnh toàn cầu, quá trình chuyển đổi năng lượng và vật liệu, người tiêu dùng sau đại dịch, bảo vệ thiên nhiên và khí hậu, triển khai đổi mới.
Ngay trong ngày đầu tiên của cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận về quản lý "những cơn gió ngược kinh tế", việc nối lại tăng trưởng toàn cầu trong bối cảnh mong manh, nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng và bất ổn địa kinh tế.
Chủ tịch WEF Borge Brende phát biểu: "Chúng ta sẽ phải đảm bảo rằng chúng ta không bước vào một thập kỷ mất mát. Chúng ta cần vực dậy tăng trưởng".
Hội nghị WEF Thiên Tân 2023 diễn ra trong lúc thế giới đối mặt với khủng hoảng khí hậu toàn cầu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt như nắng nóng, hạn hán và lũ lụt đang bao trùm nhiều khu vực.
"Trong một thế giới mà nhận thức về biến đổi khí hậu ngày càng trở nên rõ rệt hơn, người tiêu dùng đang tìm kiếm những sản phẩm sạch và xanh. Vì vậy, đối với các nhà xuất khẩu, việc có thể tiếp thị thị trường quốc tế với tư cách là một thương hiệu xanh, sạch là rất quan trọng, nhưng chúng ta phải hỗ trợ điều đó bằng cách đảm bảo những gì chúng ta sản xuất thực sự theo cách sạch, xanh và bền vững" - Thủ tướng New Zealand Chris Hipkins nói.
Nữ Thủ tướng Mia Amor Mottley của Barbados cho rằng: "Nếu có thời điểm khu vực công và tư nhân hợp tác chặt chẽ với nhau, thì đó chính là lúc này. Và nếu có thời điểm để Bắc và Nam, Đông và Tây làm việc cùng nhau, thì đó chính là lúc này. Chúng ta không thể chấp nhận một cuộc khủng hoảng khác và việc tách rời sẽ gây ra rủi ro đó".
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, suy giảm kinh tế, lạm phát gia tăng, hậu quả của đại dịch COVID-19, xung đột, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia… là những "cơn gió ngược" đang cản trở sự tăng trưởng kinh tế thế giới.
[VIDEO] - Phát biểu của Chủ tịch WEF Borge Brende tại hội nghị (nguồn WEF):