(QNO) - Thế giới phải đầu tư 1.800 tỷ USD vào năm 2030 để chuẩn bị cho những ảnh hưởng của sự nóng lên toàn cầu.
Từ những trận cháy rừng lịch sử đến những cơn bão chưa từng có, sự nóng lên toàn cầu đang định hình lại cuộc sống của hàng triệu người, với những hậu quả ngày càng bi thảm. Như vào ngày 3.9 vừa qua, siêu bão “quái vật” Dorian hoành hành gây thiệt hại chưa từng thấy trên đảo Bahamas tại vùng Caribe.
Các nhà khoa học cho biết, thế giới buộc phải ứng phó và thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó cách sống phải được thay đổi, đầu tư và xây dựng cuộc sống xanh. Nếu chậm trễ, chúng ta có thể trả giá đắt gấp nhiều lần, như 100 triệu người nữa có thể bị rơi vào tình trạng nghèo đói vào năm 2030 hay số người thiếu nước mỗi năm sẽ tăng 1,4 tỷ người lên 5 tỷ người.
Chủ tịch Cơ quan Môi trường Vương quốc Anh - Emma Howard Boyd cảnh báo nước Anh có thể thiếu nước trong vòng 25 năm và lũ lụt trên sông, ven biển gia tăng có thể buộc một số thị trấn bị bỏ hoang.
Năm 2020, Liên hiệp quốc kỷ niệm 5 năm thỏa thuận khí hậu Paris. Ở đó, thỏa thuận đặt ra mục tiêu giữ cho mức tăng của nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C và nếu có thể, cố gắng đạt tới mục tiêu tăng thấp hơn 1,5 độ C. Dịp này, các bên ký kết thỏa thuận dự kiến sẽ cập nhật các cam kết hành động quốc gia về ngăn chặn trái đất nóng lên.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban Thích ứng toàn cầu (GCA) bao gồm sự tham gia của nhà sáng lập Tập đoàn Microsoft - Bill Gates, cựu Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) Kristalina Georgieva kết luận rằng, khoản đầu tư 1.800 tỷ USD tập trung vào đầu tư hệ thống cảnh báo sớm, cơ sở hạ tầng, bảo vệ rừng ngập mặn, quản lý nguồn nước và phương pháp canh tác khô. Đáng chú ý, số tiền đầu tư đó có thể mang lại lợi nhuận 7,1 tỷ USD lãi ròng.
Ở Bangladesh, việc thành lập các hệ thống cảnh báo sớm cộng với nơi trú ẩn an toàn và bảo vệ bờ biển, đã cứu sống hàng trăm nghìn người kể từ sau khi cơn bão Bhola năm 1970 giết chết ít nhất 300.000 người.
Thế giới phải thích ứng với biến đổi khí hậu là điều “không thể tránh khỏi”. Báo cáo của GCA cảnh báo các quốc gia giàu và nghèo phải đầu tư ngay bây giờ để bảo vệ chống lại các tác động biến đổi khí hậu.
GCA dẫn chứng, việc áp dụng phổ biến hệ thống cảnh báo sớm có thể cắt giảm 30% thiệt hại, cứu được nhiều người. Với khoản đầu tư 800 triệu USD cho lĩnh vực dự báo thời tiết có thể tránh được tới 16 tỷ USD chi phí cho thiệt hại vì thiên tai hằng năm.
Trong khi đó, các sáng kiến như cung cấp cho các trang trại hạt giống chịu hạn (trong bối cảnh nắng hạn) giúp tăng năng suất cây trồng ở các quốc gia dễ bị tổn thương như Zimbabwe.
Ở Fiji, việc tăng thuế 10% đối với những người giàu có cũng như các mặt hàng xa xỉ đã thu được gần 120 triệu USD nhằm đầu tư cho năng lượng sạch, cứu trợ thảm họa, trồng rừng, nghiên cứu và đầu tư cơ sở hạ tầng ở quốc đảo Thái Bình Dương này.