(QNO) - Hơn 50 quốc gia, trong đó có Việt Nam vừa ký kết hiệp ước đầu tiên trên thế giới có tính ràng buộc pháp lý về việc cấm vũ khí hạt nhân.
Các quan chức LHQ đặt hy vọng sau khi Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được ký kết. Ảnh: AFP |
Trong khuôn khổ phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) lần thứ 71, đại diện 52 quốc gia đặt bút ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Hiệp ước bao gồm các nội dung cụ thể: các quốc gia tham gia ký kết không được phát triển, thử nghiệm, sản xuất, chế tạo, tàng trữ, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân, không cho các quốc gia khác đồn trú hoặc lắp đặt vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ nước mình. Trước đó, hiệp ước này được thông qua vào tháng 7.2017 tại cuộc họp của LHQ với 122 phiếu thuận và chỉ có 2 phiếu chống. Như vậy, hiệp ước sẽ chính thức đi vào hiệu lực kể từ khi ít nhất được 50 quốc gia phê chuẩn. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres xem đây là cột mốc quan trọng để đánh dấu hiệp ước giải trừ quân bị đa phương đầu tiên trong hơn 2 thập niên qua. Việc đặt bút ký hiệp ước của các quốc gia thể hiện rõ mục tiêu hòa bình, ủng hộ việc giải trừ vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới.
Những người ủng hộ hiệp ước tin rằng sự lựa chọn của họ là con đường tốt nhất để ngăn chặn thảm họa hạt nhân trên toàn cầu trong tương lai, từng xảy ra kinh hoàng tại Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào năm 1945 khi Mỹ ném 2 quả bom hạt nhân, mà có lẽ thế giới không thể quên, không được quên. Tổng Thư ký Antonio Guterres nói rằng những người may mắn được sống sót qua các thảm họa hạt nhân Nhật Bản tiếp tục nhắc nhở chúng ta về những hậu quả tàn phá vô nhân đạo của vũ khí đó. Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được phê chuẩn phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về những nguy cơ của vũ khí hạt nhân, thảm họa nhân đạo, hệ lụy môi trường và không thể cho phép những thứ vũ khí hủy diệt này gây nguy hiểm cho thế giới ngày nay cũng như thế hệ tương lai. Peter Maurer - Chủ tịch Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế hy vọng hiệp ước là bước tiến đầu tiên về tương lai không có vũ khí hạt nhân bởi nhân loại đơn giản không thể sống dưới bóng tối của cuộc chiến tranh hạt nhân.
Lễ ký kết diễn ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tại khóa họp thứ 72 của Đại hội đồng LHQ đã cảnh cáo nếu Mỹ buộc phải bảo vệ cho chính mình và các nước đồng minh, Washington không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải “tiêu diệt” toàn diện Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng liên tục thử nghiệm tên lửa và vũ khí hạt nhân. Do đó, điều gây tranh cãi và đáng lưu ý là không có quốc gia nào trong số 9 nước đang sở hữu vũ khí hạt nhân tham dự cuộc thương lượng trước đó, gồm có Mỹ, Nga, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel cũng như tham gia ký kết Hiệp ước vũ khí hạt nhân đầu tiên của thế giới. Trong khi một số quốc gia lập luận rằng họ cần phải có vũ khí hạt nhân để duy trì an ninh, ổn định thì Mỹ, Anh và Pháp cho rằng hiệp ước này không phù hợp với thực tế về an ninh thế giới và việc ngăn các vụ thử hạt nhân là cần thiết hơn.
Dù còn hoài nghi về hiệu quả, việc hơn 50 quốc gia đặt bút ký để Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân đi vào hiệu lực cũng cho thấy nhận thức mối đe dọa của loại vũ khí nguy hiểm này càng gia tăng, hậu quả khủng khiếp của nó. Qua đó là thông điệp chính trị và quyết tâm của các quốc gia thể hiện khát vọng của nhân dân yêu chuộng hòa bình về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
QUỐC HƯNG