Thế giới lo ngại giảm phát trở lại

AN XUYÊN (tổng hợp) 31/07/2015 10:29

Các thị trường hàng hóa và dầu mỏ lao dốc đang gióng lên hồi chuông cấp báo về nguy cơ giảm phát trở lại đối với nền kinh tế thế giới.

Mỹ và Vương quốc Anh đang trong cuộc đua trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên tiến hành tăng lãi suất sau một thời gian dài áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ, khi trong tuần trước lần lượt Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Mark Carney đã phát đi tín hiệu rằng thời điểm tăng lãi suất tuy không phải là ngay lập tức song đang đến gần.

Như vậy, rõ ràng hai nhà lãnh đạo của Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ, và BoE đều tin rằng tăng trưởng kinh tế trong nước, thị trường việc làm và lạm phát đều đang đi đúng hướng để hỗ trợ quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, Chủ tịch Janet Yellen và Thống đốc Mark Carney vẫn giữ một sự thận trọng nhất định.

Thế giới đang lo ngại giảm phát trở lại khi các nền kinh tế đang vật lộn với nợ. (Ảnh: cafef.vn)
Thế giới đang lo ngại giảm phát trở lại khi các nền kinh tế đang vật lộn với nợ. (Ảnh: cafef.vn)

Một trong những nguyên nhân khiến Fed và BoE chưa thể hoàn toàn tự tin với quyết định tăng lãi suất là hai nền kinh tế Anh và Mỹ vẫn chưa thể có nhiều dấu hiệu tăng trưởng bền vững. Trong khi Vương quốc Anh đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát và thất nghiệp tăng lần đầu tiên trong hơn hai năm thì Mỹ lại đau đầu với đồng USD tăng giá, doanh số bán lẻ giảm, lương giảm và lạm phát ở mức thấp.
Tại châu Á, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát những bất ổn trên thị trường chứng khoán nước này.

Cú sốc trên thị trường chứng khoán Thượng Hải (Trung Quốc) trong mùa hè này cũng làm gia tăng lo ngại về tình trạng “hạ nhiệt” của kinh tế Trung Quốc sẽ dẫn tới sự giảm tốc mạnh trong tăng trưởng kinh tế thế giới. Trong khi đó, diễn biến của giá tiêu dùng đang làm “phai nhạt” giả định Mỹ sẽ sớm tăng lãi suất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng dự định sẽ bơm thêm 48 tỷ USD vào Ngân hàng Phát triển Trung Quốc - ngân hàng lớn nhất của nước này. Một cường quốc khác là Nhật Bản cũng vừa điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước, bất chấp việc xứ sở hoa anh đào vẫn đang triển khai chính sách “Abenomics” để phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ số Thomson Reuters Commodity Research Bureau về hàng hóa đã giảm 10% trong tháng 7.2015 xuống mức thấp nhất kể từ cuộc suy thoái toàn cầu đầu năm 2009. Bruce Kasman, chuyên gia kinh tế hàng đầu tại JP Morgan cho hay các nhà đầu tư lo ngại giá hàng hóa suy giảm trong thời gian gần đây có thể là dấu hiệu về nguy cơ mất đà tăng trưởng kinh tế thế giới ngoài dự kiến.

Theo JP Morgan, tỷ lệ lạm phát thế giới chỉ ở mức 1,6% trong quý 2/2015, giảm từ mức 2% vào cuối năm 2014. Trong bối cảnh các nhà đầu tư đang băn khoăn trong việc lựa chọn hướng đi, thì giống như hàng hóa, các thị trường mới nổi đang đối mặt với tình trạng bán tháo cổ phiếu và biến động gia tăng.
Sự thận trọng ngày càng tăng của giới đầu tư có thể tác động tới thị trường cổ phiếu, trong khi các thị trường trái phiếu đang tăng gần tới mức cao nhất trong nhiều thập niên qua.

 AN XUYÊN (tổng hợp)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thế giới lo ngại giảm phát trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO