Thế giới tiễn biệt tác giả "Trăm năm cô đơn"

QUỐC HƯNG 21/04/2014 13:25

Những ngày qua, các trang mạng, diễn đàn tràn ngập lời tiễn biệt Gabriel Garcia Marquez, người từng đoạt giải Nobel Văn học đầu tiên của châu Mỹ Latinh, cha đẻ của tác phẩm trứ danh “Trăm năm cô đơn”.

MARQUEZ, sinh năm 1927 tại Colombia được xem một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, người có công đưa những tác phẩm bằng tiếng Tây Ban Nha ra thế giới. Trăm năm cô đơn, Tình yêu thời thổ tả, Tướng quân giữa mê hồn trận, Ký sự về một cái chết được báo trước hay Hồi ức về những cô gái điếm buồn của tôi (qua các bản dịch tiếng Việt) là những tác phẩm để đời của Marquez. Chỉ riêng Trăm năm cô đơn được sáng tác vào năm 1967, đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng và bán ra gần 50 triệu ấn bản.

Nhà văn xuất sắc của thế giới - Gabriel Garcia Marquez.
Nhà văn xuất sắc của thế giới - Gabriel Garcia Marquez.

Không chỉ là một người có tài kể chuyện xuất chúng, Marquez chinh phục độc giả nhờ lối viết hiện thực, lồng trong bối cảnh lịch sử, chính trị của đất nước, của châu Mỹ Latinh, của thời cuộc. Các tác phẩm của Marquez bắt đầu có mặt tại Việt Nam thông qua các dịch giả lần đầu tiên vào năm 1984, tức sau 2 năm ông nhận được giải thưởng Nobel Văn học.

Bên cạnh sự nghiệp văn chương đồ sộ, Marquez còn là một nhà báo. Từ giữa thập niên 1940 Marquez đã cộng tác tờ El Espectador, rồi điều hành tạp chí Venezuela Grafica tại Caracas, làm phóng viên cho nhiều tờ báo ở châu Âu. Sau cuộc cách mạng Cuba vào năm 1959, Gabriel Garcia Marquez là một người rất hâm mộ nhà lãnh đạo Fidel Castro, ông đã hợp tác với hãng thông tấn Prensa Latina tại La Habana. Một thời gian sau, Marquez rời khỏi Cuba về định cư hẳn tại Mexico và cũng tại đây, ông đã đóng cửa với thế giới bên ngoài trong 18 tháng liền, để hoàn tất tác phẩm để đời Trăm năm cô đơn.

Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos tuyên bố ba ngày quốc tang. Qua mạng Twitter ông viết: “Sự ra đi của tác giả Trăm năm cô đơn, người con vĩ đại nhất mọi thời đại của Colombia để lại một ngàn năm cô đơn và đau buồn cho đất nước”. Cũng trong lúc này, nhiều chính trị gia, nhà văn và những người hâm mộ ông trên khắp thế giới đã bày tỏ niềm thương tiếc, đồng thời đánh giá cao những đóng góp của ông cho văn học Mỹ Latinh nói riêng và làng văn thế giới nói chung. Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu, Gabriel Garcia Marquez ra đi nghĩa là thế giới đã mất đi một trong những cây bút xuất sắc nhất, vĩ đại nhất của thế giới mà ông từng hâm mộ khi còn nhỏ, đồng thời ông Obama khẳng định những tác phẩm của Marquez sẽ sống mãi trong tâm trí của nhiều độc giả qua các thế hệ. Trong bức điện của nhà lãnh đạo Cuba Raul Castro có đoạn viết, thế giới, đặc biệt là nhân dân các nước châu Mỹ đã mất đi một nhà trí thức, một nhà văn mẫu mực. Nhân dân Cuba mất đi một người bạn lớn, thủy chung và thân thiết. Sự nghiệp của những người như Marquez là bất tử.

Alexandra, một độc giả chia sẻ trên trang Twitter: “Một mất mát lớn bởi ông ấy không chỉ được xem là một huyền thoại của Colombia mà của cả trái đất này. Song, độc giả trên thế giới vẫn tìm đọc những tác phẩm bất hủ của Marquez”. Ngay trong lúc nhận tin Marquez qua đời, đồng nghiệp của ông, nhà văn Isabel Allende lúc đó đang đứng trên bục giảng tại trung tâm Cervantes ở New York (Mỹ) chia sẻ, những tác phẩm của Marquez giúp cho bà nhận ra hiện thực của chính mình. Hay Vayardo Carvajao, một độc giả chia sẻ trên facebook: “ Marquez ra đi nhưng sức cuốn hút từ những đứa con tinh thần của Marquez vẫn luôn tồn tại từ thế hệ nay sang thế hệ khác”. Các tác phẩm của ông như cầu nối để giới thiệu nền văn hóa châu Mỹ Latinh với bạn bè quốc tế, ông Marquez ra đi khiến thế giới như mất đi một trong những cây viết có tầm nhìn vĩ đại nhất, một độc giả khác chia sẻ.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thế giới tiễn biệt tác giả "Trăm năm cô đơn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO