(QNO) - Tính đến sáng 26.1, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu vượt hơn 100 triệu ca, trong đó có 2,1 triệu trường hợp tử vong.
Mỹ, Ấn Độ, và Brazil vẫn là những quốc gia bị tác động nặng nề nhất do Covid-19 toàn cầu. Mỹ đến nay ghi nhận gần 26 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 430 nghìn người tử vong.
Diễn biến Covid-19 cũng phức tạp tại Đông Nam Á khi nhiều nước trong khu vực chứng kiến số ca lây nhiễm tiếp tục tăng mạnh.
Trong khi các chuyên gia cảnh báo, nếu không có chiến lược phòng chống Covid-19 một cách hiệu quả, Malaysia có thể rơi vào tình trạng phong tỏa kéo dài mà chưa có điểm dừng, nước láng giềng Indonesia ghi nhận số ca nhiễm corona mới lên khoảng 1 triệu người với hơn 28 nghìn ca tử vong. Như vậy, số ca nhiễm Covid-19 tại Indonesia tăng trung bình mỗi ngày trên 11.000.
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, Indonesia vừa triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 và thắt chặt các hạn chế đi lại để ngăn chặn corona bùng phát.
Bộ Y tế Philippines thông báo nhiều trường hợp nhiễm biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 từ Anh được phát hiện tại nước này. Đáng chú ý khi trong đó có những trường hợp chưa từng tiếp xúc với các ca mắc bệnh hoặc không phải trở về từ nước ngoài. Philippines cũng là một trong những quốc gia gia hạn lệnh cấm nhập cảnh với du khách đến từ những nơi có biến thể của vi rút SARS-CoV-2.
Trước lo ngại về các biến thể của vi rút corona mới (SARS-CoV-2) có nguy cơ đảo ngược tiến bộ chống Covid-19, hãng dược Moderna (Mỹ) vừa thông báo, các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy hiệu quả của vắc xin ngừa Covid-19 của hãng đối với vi rút biến thể SARS-CoV-2 tại Anh không thay đổi nhưng hiệu quả đối với vi rút biến thể được phát hiện tại Nam Phi có giảm dù cũng đạt yêu cầu để bảo vệ cơ thể khỏi Covid-19.
Do đó, Moderna cho biết cần tiến hành thêm thử nghiệm vắc xin đối với biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 phát hiện tại Nam Phi.
Vào tuần trước, hãng dược Pfizer của Mỹ cho biết họ đã hoàn thành việc đăng ký thử nghiệm vắc xin Covid-19 đối với trẻ em từ 12 -15 tuổi, đây là một khâu quan trọng để có thể chính thức sản xuất vắc xin để sử dụng ở nhóm tuổi trên.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ký thỏa thuận mua 40 triệu liều vắc xin Covid-19 do hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech (Đức) hợp tác bào chế. Số lượng vắc xin trên sẽ được phân phối vào cuối tháng 2 này theo cơ chế COVAX nhằm đảm bảo cả những nước có thu nhập thấp và trung bình cũng có thể tiếp cận được với vắc xin Covid-19.