(QNO) - Sau 8 tháng kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi rút corona (Sars-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu, corona đến nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Mặc cho nỗ lực của thế giới, trong đó cuộc đua của các nhà khoa học tìm kiếm vắc xin Covid-19, đại dịch vẫn diễn biến phức tạp với số người nhiễm và tử vong vì corona tiếp tục tăng.
Tính đến ngày 11.8.2020, thế giới ghi nhận 50,2 triệu ca nhiễm, trong đó hơn 1,25 triệu trường hợp không qua khỏi.
Nhiều quốc gia trên thế giới quay trở lại điểm nóng của đại dịch hay đón làn sóng mới corona được cho nguy hiểm hơn, căng thẳng hơn. Nhiều nền kinh tế chưa thể vực dậy do khủng hoảng corona.
Mỹ - quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất do Covid-19 liên tục thông báo số ca nhiễm vượt 100 nghìn mỗi ngày trong những ngày gần đây. Nhiều quốc gia châu Âu buộc phải ban hành lệnh tái phong tỏa để ngăn chặn làn sóng Covid-19 trong khi mùa đông đến gần dự báo khiến cho việc lây nhiễm corona trở nên khắc nghiệt hơn.
Chỉ hơn hai tháng trước, vào ngày 28.8, thế giới chứng kiến trường hợp thứ 25 triệu nhiễm Covid-19. Song từ đó, các trường hợp nhiễm mới hàng ngày tăng vọt, thường xuyên vượt quá 500 nghìn và đang trên đà tiến tới hơn 700 nghìn. Số ca tử vong mỗi ngày cũng tăng mạnh bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong việc điều trị Covid-19 trong 10 tháng qua, một dấu hiệu nữa cho thấy đại dịch đã trở nên nghiêm trọng như thế nào.
Theo các chuyên gia, nếu Covid-19 không có dấu hiệu chấm dứt, vắc xin phòng bệnh không được lưu hành rộng rãi, thế giới có thể ghi nhận 100 triệu ca nhiễm corona vào cuối năm, tăng với tốc độ 1 triệu ca nhiễm mỗi ngày. Đáng chú ý, những đợt bùng phát đại dịch tồi tệ nhất xảy ra ở nhiều nước phát triển, được cho là có nhiều nguồn lực nhất để chống lại căn bệnh này.
Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ cho biết, một trong những mối nguy hiểm nhất là các bệnh viện trở nên quá tải để điều trị cho tất cả bệnh nhân của họ.
Điều này đã diễn ra ở El Paso (Mỹ) và ở nhiều địa điểm khác nhau trên khắp châu Âu như từng được chứng kiến ở Vũ Hán, Trung Quốc (nơi bùng phát dịch bệnh corona); Lombardy của Italia. Tỷ lệ tử vong tăng vọt khi không có đủ vật tư và nhân viên y tế để điều trị thích hợp cho mọi bệnh nhân. Có khả năng con số này sẽ tăng đột biến nếu vi rút corona tiếp tục lây lan, về cơ bản không kiểm soát được.
Trong khi đó, các biện pháp cơ bản nhất phòng chống corona như đeo khẩu trang khi ra ngoài, thường xuyên rửa ta bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn, hạn chế tụ tập nơi đông người, đảm bảo giãn cách xã hội, đặc biệt ở những điểm nóng của dịch bệnh… không được thực hiện nghiêm túc tại một số nơi.
Tạp chí y học Lancet cho biết tỷ lệ lây lan dịch bệnh tăng trung bình 24% khi các trường học mở cửa trở lại. Nghiên cứu do nhà khoa học You Li tại Đại học Edinburgh dẫn đầu cũng lưu ý rằng sự gia tăng dịch bệnh đáng kể hơn sau khi lệnh cấm tụ tập đông người, kể cả tại nơi làm việc, hạn chế đi lại... được dỡ bỏ.
Ngược lại, trong trường hợp chưa có vắc xin Covid-19, việc giảm lây nhiễm Covid-19 xuống 52% trong vòng 4 tuần, thậm chí còn rõ rệt hơn khi kết hợp với các biện pháp phòng ngừa cơ bản trên cùng với các biện pháp y tế công cộng khác, bao gồm xét nghiệm nhanh vi rút, truy tìm tiếp xúc và cách ly những người bị nhiễm bệnh...