Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn

QUỐC HƯNG 06/04/2023 15:39

(QNO) - Theo Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres, ngay cả sau khi giao tranh chấm dứt, các cuộc xung đột thường để lại một "di sản" đáng sợ: bom mìn và vật liệu nổ rải rác khắp các cộng đồng.

Rà phá bom mìn còn sót sau chiến tranh. Ảnh: @UNITAMS
Rà phá bom mìn còn sót sau chiến tranh. Ảnh: @UNITAMS

Chiều 4/4 vừa qua, tại trụ sở ở thành phố New York (Mỹ), Liên hiệp quốc khai mạc Tuần lễ khắc phục hậu quả bom mìn với chủ đề "Hành động mìn không thể chờ đợi".

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, đến nay có hàng triệu quả bom mìn bị phá hủy và hàng nghìn ki lô mét đất được dọn sạch. Tuy nhiên, thế giới vẫn còn nhiều việc phải làm khi còn tàn dư hàng triệu bom mìn chưa nổ ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, Lào, Campuchia, Colombia, Lybia.

Ông Vanthy So. Ratanakiri - người mất cả hai tay vì bom mìn và là một trong hơn 64 nghìn người thiệt mạng hoặc bị thương do bom mìn chưa nổ ở Campuchia từ năm 1979, nói: "Cả cuộc đời tôi bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tôi có nhiều việc phải làm. Cuộc sống của gia đình tôi vì thế rất khó khăn".

Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc Antonio Guterres phát biểu: "Đối với hàng triệu người đang sống giữa sự hỗn loạn của các cuộc xung đột vũ trang, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, mỗi bước đi đều có thể đặt họ vào con đường nguy hiểm.

Hòa bình không mang lại sự đảm bảo an toàn khi trên các đường, cánh đồng vẫn tàn dư bom mìn chưa nổ, đe dọa sự trở lại của những người dân phải di dời, khi trẻ em tìm và chơi với những đồ vật sáng bóng có thể phát nổ...

Ngay cả sau khi giao tranh chấm dứt, các cuộc xung đột thường để lại một "di sản" đáng sợ: bom mìn và vật liệu nổ rải rác khắp các cộng đồng".

Bởi vậy, Cơ quan hành động bom mìn của Liên hiệp quốc (UNMAS) tập hợp các đối tác lại với nhau để loại bỏ những vũ khí chết người này, hỗ trợ chính quyền quốc gia và đảm bảo tiếp cận an toàn đến nhà ở, trường học, bệnh viện và đất nông nghiệp.

Đến nay, 164 quốc gia ký kết Công ước cấm mìn sát thương hay Hiệp ước Ottawa.

Cạnh đó, Liên hiệp quốc phát động "Safe Ground" (Vùng đất an toàn) vào năm 2019. Đây là một chiến dịch toàn cầu tập trung vào việc biến bãi mìn thành sân chơi, làm sạch trái đất khỏi bom mìn và các nguy cơ cháy nổ khác để đảm bảo an toàn cho sự phát triển.

Bà Melissa Fleming - Phó Tổng Thư ký Liên hiệp quốc phụ trách truyền thông khẳng định, hội nghị tập trung xem xét 3 quốc gia bị ô nhiễm bom mìn nặng nhất tại Đông Nam Á gồm Campuchia, Lào và Việt Nam để tiến hành trả lại an toàn cho những vùng đất này.

Tại hội nghị cũng diễn ra triển lãm gồm các bức ảnh, đồ họa và đoạn phim minh họa về nạn nhân bom mìn, những công việc đã được hoàn thành và những gì còn lại phải làm để các vùng đất trên thế giới sạch bom mìn.

Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi năm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh vẫn cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người, hơn 1.300 người phải mang thương tật và gây ô nhiễm môi trường.

Tại hội nghị năm nay, đại diện Việt Nam tiếp tục nhấn mạnh thông điệp đoàn kết quốc tế là yếu tố quan trọng để khắc phục hậu quả bom mìn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO