Học sinh Singapore tìm hiểu về biến đổi khí hậu

QUỐC HƯNG 25/08/2022 15:12

(QNO) - Singapore triển khai chương trình đặc biệt giúp hơn 600.000 học sinh tiếp cận các tài liệu, thông điệp về mực nước biển dâng và tham gia các dự án hành động vì khí hậu.

Ảnh: ST
Học sinh Singapore tiếp cận nội dung về biến đổi khí hậu. Ảnh: ST

Singapore nằm ở vùng trũng có khoảng 30% diện tích đất thấp hơn 5m so với mực nước biển, khiến đất nước dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng do hành tinh nóng lên.

Các nhà khoa học từ Cộng hòa Ireland và Mỹ dự đoán, mực nước biển tại Singapore có thể tăng từ 0,37m đến 0,78m vào năm 2100, với tốc độ từ 4mm đến 13mm/năm và có thể trầm trọng hơn nữa.

Do đó, những năm gần đây, Chính phủ Singapore gấp rút triển khai hàng loạt chính sách và chủ trương ứng phó.

Trong đó, Singapore triển khai một chương trình học đường lớn nhất liên quan đến mực nước biển dâng, được khởi động vào ngày 22.8.2022 và kéo dài trong 2 năm có tên gọi R.I.S.E. to the Challenge (tạm dịch: Nước biển dâng đến thách thức).

Các ấn phẩm mới về biến đổi khí hậu ra đời để cấp phát cho tất cả trường học tại Singapore, phù hợp với học sinh từ trường tiểu học đến đại học.

Cạnh đó, nhiều hội thảo về nguyên nhân và tác động của mực nước biển dâng, cách để giảm thiểu hiện tượng hủy diệt và thích ứng với nước biển dâng sẽ được tổ chức.

Ảnh: ST
Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Singapore - ông Desmond Lee (thứ hai từ phải sang) tại lễ ra mắt chương trình  R.I.S.E. to the Challenge. Ảnh: ST

Keppel Land - tập đoàn phát triển bất động sản tại Singapore tham gia điều hành chương trình trên cho biết, chương trình dự kiến ​​sẽ tiếp cận khoảng 340 trường học với hơn 680.000 học sinh và lãnh đạo các trường.

Nhiều cuộc thi được tổ chức để học sinh giới thiệu các dự án hành động vì khí hậu các em.

Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia Singapore - ông Desmond Lee tham dự lễ khởi động và giải thích những tác động của biến đổi khí hậu đối với Singapore và Kế hoạch xanh Singapore đến năm 2030 cho các em học sinh.

Ông Desmond Lee nói: "Chương trình giúp gắn kết mọi người, làm việc cùng nhau, vượt qua khác biệt để hành động vì tương lai tươi sáng và bền vững hơn".

Giám đốc điều hành Keppel Land - ông Louis Lim cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là tiếp tục nâng cao nhận thức về chủ đề liên quan đến biến đổi khí hậu, khơi dậy nhiều cuộc trò chuyện hơn và truyền cảm hứng cho giới trẻ của chúng ta trở thành những người bảo vệ môi trường nhiệt huyết".

Ảnh: Phys.org
Singapore là một trong những quốc gia châu Á chịu tác động nhiều nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng nước biển dâng, Ảnh: Phys.org

Thông qua chương trình, Ray Goh - một học sinh lớp 4 và là nhà lãnh đạo sinh thái của Trường Tiểu học Xingnan dẫn đầu các nỗ lực tái chế, khuyến khích các bạn cùng trường gửi thức ăn thừa vào thùng rác thực phẩm sau giờ giải lao. Trường học thực hiện một chương trình biến rác thải thực phẩm thành phân bón...

"Em và các bạn cũng muốn tham gia dọn dẹp bãi biển và nhặt những món đồ có thể tái chế" - một học sinh 10 tuổi nói.

Theo các nhà khoa học, nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C khiến mực nước biển toàn cầu tăng từ 0,5m đến 1m vào năm 2100. Ngay cả khi con người nỗ lực ngăn chặn mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 2 độ C, vào năm 2050, ít nhất 570 thành phố và khoảng 800 triệu người sẽ phải hứng chịu nước biển dâng, sóng lớn, triều cường và xâm nhập mặn. Các thành phố biển trên thế giới đang gấp rút chống lại nguy cơ biến mất.
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Học sinh Singapore tìm hiểu về biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO