Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ

NAM VIỆT 25/04/2022 08:35

(QNO) - Indonesia - nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới quyết định cấm sản xuất dầu cọ và các nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất dầu ăn. Kế hoạch này có thể làm gia tăng lạm phát lương thực toàn cầu.

Một co sở sản xuất dầu cọ tại Indonesia. Ảnh: Reuters
Một cơ sở sản xuất dầu cọ tại Indonesia. Ảnh: Reuters

Nguồn cung dầu ăn thế giới vốn đã eo hẹp vì xung đột giữa Nga và Ukraine - 2 quốc gia chiếm 75% dầu hướng dương toàn cầu, nay càng khan hiếm khi Indonesia quyết định cấm sản xuất dầu cọ và các nguyên liệu thô liên quan đến sản xuất dầu ăn từ ngày 28.4.

Dầu cọ hiện là loại dầu thực vật được sử dụng nhiều nhất trong công nghiệp chế biến thực phẩm trên thế giới, bên cạnh đó là sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, nhiên liệu sinh học và các sản phẩm khác.

Theo Reuters, Indonesia là quốc gia chiếm hơn 1/3 xuất khẩu dầu thực vật và hơn một nửa nguồn cung dầu cọ toàn cầu. Giá dầu cọ cũng tăng 61% kể từ khi nổ ra xung đột Nga - Ukraine.

Trong một video được phát sóng, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông muốn đảm bảo các sản phẩm lương thực sẵn có trong nước, sau khi lạm phát lương thực toàn cầu tăng cao kỷ lục trong khi nhu cầu tăng và sản lượng giảm từ các nhà sản xuất hàng đầu như Nga, Ukraine, Indonesia, Malaysia.

Như Malaysia - nhà xuất khẩu dầu cọ số 2 thế giới, đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt sản lượng do thiếu hụt lao động vì đại dịch Covid-19.

Kể từ năm 2018, Indonesia ngừng cấp giấy phép mới cho các đồn điền trồng dầu cọ, thường bị cho là nguyên nhân phá rừng và phá hủy môi trường sống của các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như đười ươi.

Các loại dầu ăn khác cũng bị giảm xuất khẩu. Nguồn cung cấp lớn các chất thay thế bao gồm đậu nành và dầu hạt cải cũng không có sẵn, sau khi hạn hán ảnh hưởng đến các vụ mùa gần đây nhất ở Argentina, Brazil và Canada.

Khan hiếm dầu ăn tại nhiều sạp hàng ở Pháp và Anh....
Khan hiếm dầu ăn tại nhiều sạp hàng ở Pháp và Anh. Ảnh: Internet

Hội đồng Thương mại Chicago cho biết, quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia gây ra sóng gió về giá trên toàn cầu, và giá dầu đậu nành, dầu tinh chế, dầu hướng dương dự kiến ​​sẽ sớm tăng vọt.

Theo báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường Mintec, giá dầu hướng dương thế giới tăng 44% vào cuối tháng 3 so với một năm trước đó; trong khi dầu hạt cải tăng 72%, dầu đậu nành tăng 41%, dầu cọ tăng 61% và dầu ô liu tăng hơn 15%.

Tổng thống Joko Widodo nói: “Tôi sẽ theo dõi và đánh giá việc thực hiện chính sách này để nguồn cung dầu ăn trong nước trở nên dồi dào và giá cả phải chăng”.

Tại Indonesia, giá bán lẻ dầu ăn trung bình là 26.436 rupiah/lít (1,84 USD), tăng hơn 40% trong năm nay. Tại một số tỉnh trên cả nước, giá tăng gần gấp đôi chỉ trong tháng qua.

Không chỉ Indonesia, Argentina - nước xuất khẩu đậu nành chế biến hàng đầu thế giới - đình chỉ hoạt động bán dầu và bột đậu nành từ giữa tháng 3, trước khi tăng thuế xuất khẩu với các mặt hàng này từ 31% lên 33%.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Indonesia cấm xuất khẩu dầu cọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO