Israel vào cuộc đua công nghệ vũ trụ

NAM VIỆT 28/05/2022 04:38

“Quốc gia khởi nghiệp” Israel vừa lên kế hoạch với tham vọng trở thành một trong những quốc gia đi đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ dân sự.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Israel và vệ tinh IAI Amos-8. Ảnh: IAI
Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Israel và vệ tinh IAI Amos-8. Ảnh: IAI

Israel sẽ đầu tư 600 triệu NIS (176 triệu USD) vào một chương trình mới nhằm phát triển ngành công nghệ vũ trụ dân sự trong vòng 5 năm tới. Chương trình do Cơ quan vũ trụ Israel (ISA) đệ trình lên Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của nước này, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp vũ trụ dân sự và các công ty khởi nghiệp (start-up) trong lĩnh vực liên quan.

ISA đặt mục tiêu sẽ tăng công ty vũ trụ Israel từ khoảng 60 công ty hiện tại lên ít nhất 120, tăng số người làm việc trong ngành công nghiệp vũ trụ từ 2.500 lên 10.000, củng cố vị thế của Israel trong ngành công nghệ vũ trụ toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực liên quan. Cạnh đó, kế hoạch thúc đẩy ngành công nghệ vũ trụ thương mại của Israel, như tăng doanh số từ 1 tỷ USD/năm lên 1,25 tỷ USD/năm.

ISA sẽ thành lập một trung tâm không gian vũ trụ quốc gia, cho phép tích hợp và sử dụng các công nghệ không gian, tạo điều kiện cho các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng của các cơ quan, tổ chức chính phủ và tư nhân trong không gian.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Israel gọi kế hoạch trên là sự thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp vũ trụ của quốc gia, mở cửa cho các nhà đầu tư và doanh nhân dân sự.

Vào tháng 4.2022, một công dân Israel tham gia nhóm bốn phi hành gia tư nhân đầu tiên lên trạm vũ trụ quốc tế (ISS) cho chuyến du hành kéo dài 2 tuần, với giá vé 55 triệu USD/người.

Năm 2019, Beresheet - con tàu vũ trụ đầu tiên không người lái của Israel trị giá 100 triệu USD thực hiện sứ mệnh thám hiểm mặt trăng và sứ mệnh thứ hai sẽ tiến hành vào năm 2024, được coi là một phần của ngành công nghiệp vũ trụ dân sự mới chớm nở của Israel.

Tàu Beresheet do SpaceIL, tổ chức thám hiểm phi lợi nhuận của Israel và tập đoàn công nghiệp hàng không Israel chế tạo. Việc phóng thành công tàu Beresheet mở ra kỷ nguyên mới trong lĩnh vực không gian vũ trụ của Israel, quê hương của một số công ty khởi nghiệp công nghệ vũ trụ đầy hứa hẹn.

Như Helios, với công nghệ sản xuất ô xy nhiên liệu từ đất khai thác trên mặt trăng hay Ramon Space với sản phẩm siêu máy tính phục vụ nghiên cứu vũ trụ.

Cũng trong 5 năm qua, người Israel tham gia một số dự án nổi bật liên quan đến không gian. Như Đại học Tel Aviv thả vào quỹ đạo của trái đất một vệ tinh nano mà họ chế tạo, một vệ tinh nhỏ đầu tiên thuộc loại này để thu thập thông tin và thử nghiệm.

Hay NSLComm, một công ty khởi nghiệp công nghệ hàng không vũ trụ có trụ sở tại Israel phát triển một vệ tinh nano mở rộng trong không gian để tăng khả năng kết nối, phóng vệ tinh đầu tiên của họ là NSLSat-1 vào năm 2019.

Do đó, Israel sẽ mở rộng chương trình Tevel, nơi học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông tham gia các dự án liên quan đến không gian như chế tạo vệ tinh…

Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Israel, bà Orit Farkash-Hacohen cho biết: “Ngành công nghiệp vũ trụ dân sự toàn cầu với công nghệ cao đang trải qua một cuộc cách mạng có thể tăng gấp đôi quy mô trong thập kỷ qua để mang về khoảng 1.000 tỷ USD trong những năm tới cho kinh tế thế giới”.

Đầu năm nay, Israel ký kết một chương trình không gian do Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ - NASA dẫn đầu nhằm đưa các phi hành gia lên bề mặt mặt trăng và thiết lập sự hiện diện lâu dài của con người ở đó như một sự khởi động cho các sứ mệnh tới sao Hỏa trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Israel vào cuộc đua công nghệ vũ trụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO