Kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc: Khôi phục niềm tin và hợp tác, hướng tới tương lai

QUỐC HƯNG 22/09/2021 16:34

(QNO) - Phát biểu tại buổi khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc kêu gọi các nước cùng nhau giải quyết các thách thức lớn hiện nay, bao gồm biến đổi khí hậu và Covid-19.

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 tại New York, Mỹ. Ảnh: UN
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres phát biểu tại lễ khai mạc Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76. Ảnh: UN

Tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 76 chính thức khai mạc tại trụ sở Liên hiệp quốc ở New York, Mỹ vào sáng 21.9 (giờ địa phương), với sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của các nhà lãnh đạo đến từ 193 quốc gia thành viên. 

Khai mạc phiên tranh luận chung của kỳ họp, Tổng Thư ký Liên hiệp quốc António Guterres cho hay, nhân loại đang ở bờ vực thẳm và đang đi sai hướng, các nhà lãnh đạo hãy khôi phục niềm tin, hợp tác nhiều hơn, thấu hiểu nhau hơn, khơi dậy niềm tin vì tương lai tươi sáng hơn cho thế giới.

Ông António Guterres phát biểu: “Đây là thời đại của chúng ta. Một khoảnh khắc cho sự biến đổi. Một kỷ nguyên để kích hoạt lại chủ nghĩa đa phương. Một thời đại của những khả năng. Hãy để chúng ta khôi phục niềm tin. Hãy để chúng ta khơi dậy hy vọng. Và chúng ta hãy bắt đầu ngay bây giờ”.

Nói về đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ông António Guterres khẳng định về thành tựu cũng như bước tiến đột phá trong lĩnh vực khoa học, sức khỏe khi thế giới phát triển thành công để đưa vào sử dụng khẩn cấp nhiều loại vắc xin phòng Covid-19 chỉ sau một thời gian ngắn đại dịch bùng phát.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoảng cách chênh lệch rất sâu về khả năng tiếp cận nguồn vắc xin Covid-19 trên thế giới. Trong khi hơn 90% người dân tại châu Phi đang chờ mũi vắc xin đầu tiên thì nhiều quốc gia khác đang tiến hành mũi tiêm thứ hai cho toàn bộ dân số trưởng thành, thậm chí đến mũi tiêm thứ ba. Nhiều nước còn vứt bỏ một lượng lớn vắc xin vì đã hết hạn sử dụng.

Theo thống kê, đến nay có khoảng 5,7 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm cho người dân ở nhiều nước trên khắp thế giới nhưng chỉ 2% trong số này tới với người dân châu Phi.

Trong khi đó, nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc nhấn mạnh sự cần thiết của một kế hoạch vắc xin toàn cầu để tiếp cận 70% dân số thế giới vào giữa năm 2022.

“Sự đổ vỡ về niềm tin dẫn đến sự phá vỡ các giá trị. Sau cùng, những lời hứa sẽ vô giá trị nếu mọi người không nhìn thấy kết quả trong cuộc sống hằng ngày của họ” - ông António Guterres cho hay.

Biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn ra khắt nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: gettyimages
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết diễn ra khắc nghiệt tại nhiều nơi trên thế giới. Ảnh: Gettyimages

Liên quan đến cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc kêu gọi các quốc gia cần thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, ngăn chặn trái đất nóng lên.

Trong đó bao gồm thực hiện cam kết trung hòa khí thải cácbon điôxít (CO2) vào năm 2050, cung cấp 100 tỷ USD hằng năm các nước giàu đã hứa cách đây một thập kỷ để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển hạn chế phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính và ứng phó tình trạng lũ lụt, hạn hán và nước biển dâng. 

Bên cạnh đó, các chính phủ chuyển sang nền kinh tế xanh thông qua các bước như đánh thuế khí thải CO2, chấm dứt trợ cấp cho nhiên liệu hóa thạch và cam kết không có nhà máy điện than mới.

Bởi vậy, sự thành công tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26) diễn ra tại Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới được xem là một yếu tố quan trọng xác định tương lai của hành tinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỳ họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc: Khôi phục niềm tin và hợp tác, hướng tới tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO