Người tiêu dùng Malaysia trong cơn “bão giá”

QUỐC HƯNG 03/06/2022 14:33

(QNO) - Trong báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 4.2022 của Cục Thống kê Malaysia, 89,1% các mặt hàng trong nhóm thực phẩm và đồ uống ghi nhận mức tăng giá.

Một khu chợ tại Malaysia
Một khu chợ tại Malaysia. Ảnh: Dreamstime

Những ngày gần đây, mỗi khi đi chợ hoặc siêu thị, bà Michelle Tan sinh sống tại thủ đô Kuala Lumpur luôn đắn đo để chọn mua những mặt hàng chỉ thực sự cần thiết cho gia đình.

“Việc giá cả ngày càng tăng cao là điều khó tránh khỏi. Nhưng rất tiếc tiền lương của chúng tôi vẫn “dậm chân tại chỗ”. Là một gia đình có thu nhập trung bình, chúng tôi đang cắt giảm các mặt hàng thực phẩm được coi là xa xỉ” - bà Michelle Tan nói.

Bà Michelle Tan cho biết, cá hồi trước đây có giá khoảng 65 ringgit/kg, nay là 90 ringgit; thịt gà cắt miếng là 19,9 ringgit, nay tăng lên 25,9 ringgit; thịt heo băm nhỏ tăng 6 ringgit.

Bà Faridah - một người nội trợ nói bà cảm thấy rất vất vả nhưng cũng thấy khó mà bỏ qua bữa ăn thích hợp gia đình ngay cả khi các mặt hàng thực phẩm đắt hơn. Chồng bà làm việc trong một nhà máy xi măng ở Ipoh và phải tăng ca liên tục để kiếm thêm tiền chi tiêu.

Theo Cục Thống kê Malaysia, trong tháng 4.2022 lạm phát thực phẩm tại nước này cao hơn 4,1% so với cùng tháng năm ngoái. Nhóm mặt hàng thực phẩm và đồ uống - thành phần lớn nhất của chi tiêu hộ gia đình có mức tăng cao nhất kể từ tháng 1.2018.

Như phân nhóm sữa, pho mát và trứng tăng 7,2% so với tháng 4 năm ngoái, trong khi thịt, rau, cá và hải sản, cũng như dầu và chất béo tăng 6,2%, 4,5%, 3,8% và 3,5% tương ứng.

Malaysia nỗ lực kìm hãm đà tăng gia thịt gà, một trong những loại thực phẩm ưa thích của người dân nước này. Ảnh: Alamy
Malaysia nỗ lực kìm hãm đà tăng giá thịt gà - một trong những thực phẩm ưa thích của người dân nước này. Ảnh: Alamy

Theo các nhà phân tích, gia tăng nhu cầu đối với nguyên liệu thực phẩm trong tháng Ramadan, sự mất giá của đồng ringgit, xung đột Nga vào Ukraine, chính sách tiền lương tối thiểu mới và các vấn đề hậu cần là những yếu tố góp phần làm giá cả tăng cao.

Ông Tommy Ng - chủ một cửa hàng tạp hóa ở Shah Alam dự kiến ​​giá hàng hóa tăng hơn nữa trong tháng 6 này. Hiện ông bán 1 chai dầu ăn Buruh 5kg với giá 30,9 ringgit, cách đây không lâu chỉ 18,9 ringgit. 

Chính phủ Malaysia chi hàng tỷ USD cho các khoản trợ cấp và áp dụng các hệ thống kiểm soát giá cả để ngăn giá hàng hóa tăng theo chiều hướng xoắn ốc.

Bộ trưởng Tài chính Tengku Zafrul Tengku Abdul Aziz cho biết, Malaysia dự kiến ​​sẽ tăng tổng trợ cấp lên mức 71 tỷ ringgit trong năm nay, ví dụ trợ cấp hơn 700 triệu ringgit cho những người chăn nuôi gà để giảm bớt gánh nặng cho họ.

Tại Sarawak, chính quyền bang áp dụng mức giảm giá điện cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm nhằm giúp họ giảm chi phí kinh doanh.

Chính quyền bang Selangor phân bổ ngân sách nhằm thực hiện chương trình can thiệp vào giá thực phẩm, cung cấp thịt gà và trứng với giá rẻ hơn.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), giống như phần còn lại của thế giới, các nước châu Á đang chịu những tác động từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, trong đó giá cả leo thang, đối mặt với nguy cơ lạm phát đình trệ. IMF hạ dự báo tăng trưởng của châu Á xuống còn 4,9% trong khi tỷ lệ lạm phát tại khu vực tăng 3,2% trong năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Người tiêu dùng Malaysia trong cơn “bão giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO