Những di sản UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp

KIM OANH 10/12/2022 06:59

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) vừa ghi danh những di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, trong đó có nghệ thuật làm gốm cổ truyền của người Chăm (Việt Nam).

Trang phục truyền thống của phụ nữ và trẻ em gái tại vùng cao Bắc Albania - một trong những di sản văn hóa của UNESCO. Ảnh: Malisheva.tv
Trang phục truyền thống của phụ nữ và trẻ em gái tại vùng cao Bắc Albania - một trong những di sản văn hóa của UNESCO. Ảnh: Malisheva.tv

UNESCO ghi danh nghệ thuật làm gốm tại hai thị trấn Quinchamalí và Santa Cruz de Cuca của Chile với các kỹ thuật có niên đại hàng thế kỷ. Sản phẩm bao gồm các vật dụng như cốc, đĩa, chậu... trang trí phong cảnh thôn quê thanh bình…

Tuy nhiên, truyền thống này có nguy cơ mai một do nhiều yếu tố: người trẻ tuổi lên thành thị mưu sinh, việc tiếp cận nguyên liệu thô ngày càng khó khăn do mất đa dạng sinh học và suy thoái đất...

Thống kê hiện chỉ còn 5 thợ nam và 74 thợ nữ tiếp tục truyền thống làm đồ gốm Quinchamalí và Santa Cruz de Cuca. Với việc đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO, các di sản sẽ được tiếp cận nguồn tài chính để bảo tồn truyền thống này.

Đồ đá truyền thống Ahlat (Thổ Nhĩ Kỳ) chứa đựng các giá trị về kiến ​​thức, phương pháp, kỹ năng và sự hiểu biết thẩm mỹ, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong nhiều thế kỷ qua.

Ahlat là một loại đá núi lửa được khai thác ở chân núi Nemrut. Sau khi cắt và tạo hình đá, thợ điêu khắc đá trang trí bằng các công cụ cầm tay từ kỹ thuật cạo, phù điêu và chạm khắc đa dạng chủ đề.

Ngoài các công trình kiến ​​trúc như nhà ở, nhà thờ Hồi giáo, lăng mộ và cầu đường, đá Ahlat còn được sử dụng khắc bia mộ và các đồ tạo tác khác. Đá Ahlat có nhiều màu sắc tự nhiên như đỏ, đen, xám, trắng và tro.

Nghệ thuật làm gốm cổ truyền của người Chăm (Việt Nam), hiện diện chủ yếu ở làng Ligok (Trì Đức, Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, Ninh Thuận). Trong đó, Bàu Trúc được xem là một trong số rất ít làng gốm cổ nhất Đông Nam Á còn giữ lại cách sản xuất thô sơ từ khoảng cuối thế kỷ 12 đến nay.

Sản phẩm gốm Chăm chủ yếu là đồ dùng gia đình, đồ thờ cúng và đồ mỹ nghệ gồm chum, vại, khay, lọ. Gốm không tráng men mà được nung ngoài trời bằng củi và rơm từ 7 - 8 tiếng đồng hồ, ở nhiệt độ khoảng 800 độ C.

Nguyên liệu thô (đất sét, cát) được thu thập tại địa phương. Để làm ra sản phẩm gốm, nghệ nhân ở Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay như những nơi khác mà di chuyển quanh bàn làm gốm để tạo hình, nhào nặn sản phẩm theo mong muốn.

Xhubleta là trang phục truyền thống của phụ nữ và trẻ em gái vùng cao ở Bắc Albania, đặc trưng là hình chuông nhấp nhô. Xhubleta từng được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, thể hiện địa vị xã hội và kinh tế của người mặc, nhưng nay xuất hiện ngày càng ít.

Trang phục truyền thống Xhubleta khoảng 4.000 năm tuổi - một nét văn hóa đặc trưng của vùng Bắc Alnania vì thế cần được gìn giữ và bảo tồn. Xhubleta chủ yếu được làm bằng vải len, nhưng hiện vải lanh, lụa và bông cũng được sử dụng.

Món súp Borscht truyền thống của người Ukraina là món ăn được nấu bằng nước dùng kết hợp với củ dền, củ cải đường hoặc nước củ dền lên men. Borscht thường ăn kèm với bánh mì hoặc bánh bao tỏi.

Tập tục này có từ nhiều thế kỷ trước, không chỉ thể hiện lòng hiếu khách của người Ukraine mà còn mang đậm nét văn hóa phóng khoáng, ẩm thực độc đáo và giàu dưỡng chất. Súp Borscht có trong các câu chuyện, ca dao và tục ngữ như một dấu ấn lối sống và bản sắc. Tuy nhiên, truyền thống này bị mai một vì nhiều nguyên nhân khác nhau như môi trường bị tàn phá, ảnh hưởng đến chất lượng của nguyên liệu nấu súp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những di sản UNESCO cần bảo vệ khẩn cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO