Nông dân Thái Lan ứng phó biến đổi khí hậu

NAM VIỆT 13/05/2022 15:30

(QNO) - Ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để tăng năng suất, giảm chi phí, thân thiện với môi trường là cách mà nhiều nông dân trồng lúa tại Thái Lan đang làm để thay đổi cuộc sống của họ.

Nông nghiệp thông minh giúp nông dân Thái Lan thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cải thiện thu nhập. Ảnh: bangkokpost
Nông nghiệp thông minh giúp nông dân Thái Lan thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và cải thiện thu nhập. Ảnh: bangkokpost

Biến đổi khí hậu gây ra các tác động tiêu cực trên diện rộng đến các vấn đề nông nghiệp ở khu vực Đông Nam Á.

Trong những năm qua, Thái Lan là một trong trong những quốc gia áp dụng khoa học, kỹ thuật cho mô hình sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao và hiện là một trong những nhà xuất khẩu lúa gạo hàng đầu thế giới.

Tại Thái Lan, nông dân trồng lúa có thể tăng năng suất và giảm chi phí bằng kỹ thuật canh tác mới bao gồm công nghệ san lấp đất bằng laser.

Bà Sawanee Phorang, một nông dân 44 tuổi đến tại quận Doem Bang Nang Buat của tỉnh Suphan Buri cho biết, phương pháp san lấp đất bằng laser là một công nghệ tiên tiến thay đổi tích cực đến sản xuất và cải thiện thu nhập cho gia đình bà. 

Là đối tác của dự án Hành động giảm nhẹ phù hợp với quốc gia đối với lúa gạo Thái Lan (Nama) từ năm 2020, bà Sawanee Phorang cũng như nhiều nông dân khác tại Thái Lan được đào tạo để giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng, sử dụng phân bón hợp lý giảm thiểu tác hại cho môi trường. 

Bà Sawanee Phorang nói: "Khi chúng tôi điều chỉnh việc cải tạo đất bằng công nghệ mới này, chúng tôi giảm được một nửa chi phí nhiên liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc bơm nước vào ruộng lúa, tiết kiệm 50% thời gian lao động". 

Cụ thể, công nghệ  san lấp đất bằng laser có thể giảm chi phí đầu tư, như tiết kiệm nước tưới, thuốc diệt cỏ; giảm lượng giống gieo sạ, phân bón; hạn chế sâu bệnh; thuận tiện cho cơ giới hóa, giảm hao hụt trong quá trình thu hoạch. Năng suất lúa trên cánh đồng của bà Sawanee Phorang cũng tăng từ 800kg/rai (tương đương 1.600m2) lên 1.000kg.

Ngoài ra, bà  ấy Sawanee Phorang có thể bán các khoản tín dụng các bon (C02) của mình cho châu Âu với giá 400 baht/rai trên cánh đồng trải dài 60 rai của bà. 

Tờ Bangkok Post (Thái Lan) cho biết, những diễn biến như vậy được coi là tín hiệu đáng mừng cho nông dân Thái Lan, nhiều người trong số họ đang điêu đứng vì lạm phát bùng nổ đã đẩy giá nông sản và nguyên liệu của họ lên cao.

Một nửa diện tích đất nông nghiệp ở Thái Lan được dùng để sản xuất lúa gạo, chiếm gần 55% lượng khí thải từ ngành nông nghiệp. Thái Lan được xếp hạng là quốc gia phát thải khí nhà kính liên quan đến lúa lớn thứ 4 thế giới. 

Chính phủ Thái Lan, với sự hỗ trợ của cơ quan phát triển Đức GIZ, hiện đang triển khai dự án Thai Rice Nama nhằm khuyến khích nông dân sản xuất nhỏ tại địa phương thực hiện trồng lúa ít phát thải một cách bền vững. 

Ông Reinhold Elges, Giám đốc GIZ tại Thái Lan và Malaysia cho biết,  để đạt được mục tiêu đạt được mức trung tính các bon vào năm 2050 và không phát thải khí nhà kính vào năm 2065, Thái Lan phải cung cấp cho nông dân khả năng tiếp cận nhiều hơn với công nghệ tiên tiến. Công nghệ san lấp đất bằng laser là một sự phù hợp hoàn hảo cho việc này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông dân Thái Lan ứng phó biến đổi khí hậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO