Nóng với cuộc đua thuốc điều trị Covid-19

QUỐC HƯNG 31/07/2021 06:17

Cuộc đua phát triển phương pháp điều trị Covid-19 bằng đường uống nóng lên khi một công ty dược phẩm tại Nhật bắt đầu thử nghiệm trên người đối với viên uống mỗi ngày nhằm vô hiệu hóa vi rút SARS-CoV-2 ở bệnh nhân.

Nhiều hãng dược trên thế giới hướng tới sản xuất thuốc viên điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters
Nhiều hãng dược trên thế giới hướng tới sản xuất thuốc viên điều trị Covid-19. Ảnh: Reuters

Công ty Shionogi có trụ sở tại thành phố Osaka, Nhật Bản tiến hành thử nghiệm giai đoạn đầu  viên uống chống Covid-19 cho khoảng 75 tình nguyện viên giới tính nam, độ tuổi 20 đến 55 tuổi nhằm xác nhận tính an toàn của thuốc đối với những người trưởng thành khỏe mạnh. Shionogi cho biết, nếu được dùng trong giai đoạn đầu đối với bệnh nhân mắc Covid-19, thuốc của hãng có thể ngăn vi rút nhân đôi cũng như ngăn sự khởi đầu của các triệu chứng nghiêm trọng.

Loại thuốc viên điều trị Covid-19 sẽ mang lại nhiều tiện lợi hơn trong việc vận chuyển, bảo quản, điều trị và đặc biệt quan trọng đối với những người không thể tiêm chủng vì lý do sức khỏe… Đến nay, một số loại thuốc viên được cấp phép trong điều trị Covid-19 tại nhiều quốc gia cần phải quản lý tại bệnh viện và chỉ có tác dụng tùy trường hợp. 

Để mang lại tính an toàn và hiệu quả, cuộc thử nghiệm trên của Shionogi có khả năng kéo dài đến năm 2022. Giám đốc điều hành Shionogi - ông Isao Teshirogi nói: “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển một hợp chất uống thực sự an toàn như thuốc cúm Tamiflu hay Xofluza.

Thuốc điều trị Covid-19 của Shionogi có thể vô hiệu hóa vi rút 5 ngày sau khi bệnh nhân sử dụng”. Thông báo của Shionogi được đưa ra sau khi thuốc uống điều trị corona của một số hãng dược nổi tiếng trên thế giới như Pfizer hay Merck được thử nghiệm lâm sàng vài tháng qua. Pfizer thông báo viên uống 2 lần mỗi ngày của họ có thể sẵn sàng tung ra thị trường ngay trong năm nay sau khi bắt tay thử nghiệm hồi tháng 3.

Cả ba công ty trên đều có mục đích lấp đầy một trong những lỗ hổng lớn trong việc chống lại đại dịch là thuốc uống. Các nghiên cứu chỉ ra, vắc xin vẫn có hiệu quả trong việc ngăn ngừa các bệnh nghiêm trọng từ các chủng vi rút Covid-19 bao gồm cả chủng Delta dễ lây lan. Song, những trường hợp mắc bệnh cũng có thể xảy ra đối với những người đã tiêm phòng vắc xin Covid-19 dù triệu chứng bệnh ít nặng hơn.

Hãng Merck với sự hợp tác của công ty Ridgeback Biotherapeutics của Đức vừa thông báo thuốc uống Molnupiravir điều trị Covid-19 cho bệnh nhân từ nhẹ đến trung bình cho kết quả đầy hứa hẹn dù đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn 3 trong việc giảm lượng vi rút corona ở bệnh nhân Covid-19. Dự kiến các kết quả thử nghiệm lâm sàng của Merck sẽ có trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Được biết, Mỹ đã chi khoảng 1,2 tỷ USD để mua 1,7 triệu liệu trình thuốc Molnupiravir điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Trong tháng 6 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden công bố kế hoạch chi 3,2 tỷ USD nhằm phát triển thuốc điều trị Covid-19 và các mối đe dọa trong tương lai từ vi rút gây bệnh.

Hãng dược phẩm Roche Holding AG của Thụy Sĩ cũng đang phát triển loại thuốc ức chế enzyme protease với các thử nghiệm lâm sàng trên người cho thấy thuốc của họ giúp làm giảm nồng độ vi rút SARS-CoV-2 ở các bệnh nhân.

Đại diện Pfizer thừa nhận thách thức lớn về phát triển thuốc viên chống Covid-19. Trong khi vắc xin hiện có chỉ kích hoạt hệ thống miễn dịch của cơ thể thì thuốc kháng vi rút phải có tác dụng ngăn chặn vi rút lây lan khắp cơ thể nhưng không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.

Cùng với vắc xin phòng bệnh, việc hướng tới sản xuất thuốc điều trị bằng đường uống mở thêm hy vọng chấm dứt đại dịch corona. Nếu thành công, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc Covid-19 tại nhà, ít nhất là điều trị các triệu chứng ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nóng với cuộc đua thuốc điều trị Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO