Philippines lo ngại "khủng hoảng giáo dục" vì Covid-19

AN TRƯƠNG 18/09/2021 16:25

(QNO) - Các chuyên gia giáo dục ở Philippines cho rằng, hàng triệu học sinh nước này phải học ở nhà trong năm thứ hai liên tiếp sẽ gây nên một cuộc “khủng hoảng giáo dục”.

Petronilo Pacayra ( Quezon, Philippines) hướng dẫn cho các con học trực tuyến trong căn phòng chật chội và thiếu ánh sáng. Ảnh: Getty Images
Anh Petronilo Pacayra (tỉnh Quezon, Philippines) hướng dẫn các con học trực tuyến trong căn phòng chật chội và thiếu ánh sáng. Ảnh: Getty Images

Giải pháp tình thế

Theo Liên hiệp quốc, mặc dù hầu hết các quốc gia trên thế giới đã mở lại một phần hoặc toàn bộ trường học cho các lớp học trực tiếp, nhưng Philippines vẫn đóng cửa các trường học này kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch Covid-19.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho đến nay vẫn bác bỏ đề xuất thí điểm mở lại các trường tiểu học và trung học vì lo ngại trẻ em có thể nhiễm Covid-19 và lây nhiễm cho người thân lớn tuổi tại nhà.

“Cháu không biết một lớp học trông như thế nào. Cháu muốn đi học” - cô bé 7 tuổi Kylie Larrobis than thở với tờ Guardian. Larrobis càng buồn hơn khi Philippines cấm trẻ em vui chơi ngoài trời.

Cô bé cho biết mình không thể đọc sau một năm học mẫu giáo trực tuyến trong căn hộ ổ chuột nhỏ ở Manila với gia đình 6 người bằng điện thoại thông minh của mẹ. “Những gì đang xảy ra là không tốt” - Jessielyn Genel - mẹ của Larrobis, người phản đối việc quay lại các lớp học trực tiếp, buộc phải thừa nhận.

Anh Petronilo Pacayra (tỉnh Quezon, Philippines) lo lắng các con trai của mình, một đứa 9 tuổi và một đứa 10 tuổi, sẽ bị giảm kỹ năng đọc khi phải xem tài liệu trong những căn phòng chật chội và thiếu ánh sáng. Thậm chí một cậu con trai của anh còn chia sẻ rằng thích nghịch điện thoại hơn là đọc sách.

Chính phủ Philippines đã tìm cách cải thiện việc học trực tuyến bằng cách phát triển một chương trình “học tập kết hợp” từ tháng 10.2020 bao gồm các lớp học trực tuyến, các tài liệu được in sẵn và các bài học được phát trên truyền hình cũng như mạng xã hội. Tuy nhiên, chương trình này không mang lại nhiều hiệu quả vì phần lớn học sinh ở nước này không có máy tính hoặc internet.

Hệ lụy lâu dài

Ông Isy Faingold - Giám đốc giáo dục của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc tại Philippines cho biết, hơn 80% phụ huynh lo lắng con mình “học kém hơn”. Khoảng 2/3 phụ huynh ủng hộ việc mở lại lớp học ở những khu vực ít lây lan vi rút. Ông Faingold giải thích: “Học từ xa không thể thay thế cách học trực tiếp. Philippines đã có một cuộc khủng hoảng học tập trước Covid và thậm chí sẽ còn tồi tệ hơn”.

Bên cạnh chất lượng học tập thấp, học tập từ xa cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và sự phát triển của trẻ em. Tiến sĩ Rhodora Concepcion thuộc Hiệp hội Tâm thần học trẻ em và vị thành niên Philippines cho biết: “Sự cô lập xã hội lâu dài có liên quan mật thiết đến sự cô đơn và bệnh sinh lý ở trẻ em”.

Theo số liệu được Guardian trích dẫn ngày 13.9, số lượng học sinh đăng ký học tại các trường đã giảm xuống còn 26,9 triệu vào tháng 9.2020 và đã giảm thêm 5 triệu học sinh kể từ thời điểm đó.

Giáo sư giáo dục học Mercedes Arzadon - công tác tại Đại học Philippines nhận định, việc đóng cửa trường học vô thời hạn là vô lý khi các quốc gia khác vẫn có thể mở cửa trở lại một cách an toàn. Giáo sư Arzadon cảnh báo: “Tương lai và phúc lợi của thanh thiếu niên chúng ta đang bị đe dọa, và sự phát triển của quốc gia cũng vậy”.

Theo ông Faingold, nếu tình hình lạc quan, các trường học tại Philippines sẽ mở cửa trở lại vào năm tới, nhưng điều đó còn phụ thuộc vào tốc độ tiêm chủng Covid-19.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Philippines lo ngại "khủng hoảng giáo dục" vì Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO