Sau lúa mì, giá gạo có thể tăng vọt

NAM VIỆT 14/06/2022 15:07

(QNO) - Giá lương thực trên thế giới tăng mạnh trong những tháng qua. Gạo - một loại lương thực chính ở phần lớn châu Á có thể là mặt hàng tăng giá tiếp theo.

Gạo đóng túi được bày bán với nhiều mẫu mã tại một siêu thị lớn ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang –
Gạo đóng túi bày bán tại một siêu thị ở Thái Lan. Ảnh: TTXVN

Theo kênh truyền hình CNBC (Mỹ), giá của nhiều loại thực phẩm từ lúa mì và các loại ngũ cốc khác đến thịt, dầu thực vật trên toàn cầu tăng vọt trong thời gian qua.

Điều đó được thúc đẩy bởi một loạt yếu tố, bao gồm chi phí phân bón, năng lượng tăng cao, cuộc chiến Nga - Ukraine, các lệnh cấm xuất khẩu lương thực hoặc sự gián đoạn nghiêm trọng như từ Ấn Độ (lúa mì), Ukraine (lúa mì, yến mạch, đường...), Indonesia (dầu cọ)…

Theo dữ liệu tháng 5 mới nhất được công bố vào tuần trước, chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông lương Liên hiệp quốc (FAO) cho thấy, giá gạo quốc tế tăng tháng thứ 5 liên tiếp để đạt mức cao nhất trong 12 tháng trước đó.

Các chuyên gia cho rằng, sản xuất lúa gạo vẫn rất dồi dào. Nhưng giá lúa mì tăng và chi phí canh tác, vận chuyển nói chung cao hơn, sẽ khiến giá gạo đáng được theo dõi tiếp theo.

Bà Sonal Varma - nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Nomura tại Nhật Bản cho biết: “Chúng ta cần theo dõi giá gạo trong tương lai, vì giá lúa mì tăng có thể dẫn đến thay thế gạo, làm tăng nhu cầu và giảm lượng dự trữ hiện có”.

Ông Nafees Meah - đại diện khu vực Nam Á tại Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế nói thêm, khoảng một phần ba chi phí sản xuất thực phẩm liên quan đến năng lượng. Phân bón nói riêng sản xuất tốn rất nhiều năng lượng và giá tăng vọt từ năm ngoái.

Top các quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn trên thế giới.
Top các quốc gia có sản lượng lúa gạo lớn trên thế giới.

Ông David Laborde - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách lương thực quốc tế cho biết: “Chúng ta thực sự nên phân biệt giữa việc tăng giá bù đắp chi phí cao hơn và có lợi cho nông dân (và giúp họ sản xuất), hơn là lệnh cấm xuất khẩu đẩy giá lên trên thị trường thế giới nhưng lại đẩy giá xuống ở thị trường nội địa”.

Tuy nhiên, giá gạo tăng sẽ ảnh hưởng xấu đến nhiều người ở châu Á - nơi tiêu thụ lương thực chính lớn nhất.

“Vì vậy, khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương, các quốc gia như Đông Timor, Lào, Campuchia, Indonesia sẽ bị ảnh hưởng khá nặng nề nếu giá tiếp tục tăng và ở mức rất cao” - ông Nafees Meah nói. 

Giám đốc điều hành tại RBC Wealth Management - bà Frederique Carrier cho biết, chỉ số giá thực phẩm của Liên hiệp quốc cho thấy giá cả hiện cao hơn 75% so với mức trước đại dịch Covid-19. 

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Ấn Độ và Trung Quốc là 2 nhà sản xuất gạo hàng đầu thế giới, chiếm hơn một nửa tổng sản lượng toàn cầu. Việt Nam lớn thứ 5 trong khi Thái Lan đứng thứ 6.

Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu khoảng 2,05 triệu tấn gạo, mang về tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy giảm về giá trị, nhưng giá gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao hơn so một số nước xuất khẩu gạo truyền thống như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sau lúa mì, giá gạo có thể tăng vọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO