Triển vọng phục hồi kinh tế Đông Nam Á

KIM OANH 25/07/2022 16:00

(QNO) - Báo Straits Times của Singapore viết, khu vực Đông Nam Á có được uy tín trong nền kinh tế toàn cầu kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và xung đột tại Ukraine.

Nhiều công ty lựa chọn Đông Nam Á để tăng cường sản xuất thiết bị chịp điện tử. Ảnh: Economictimes
Nhiều công ty lựa chọn Đông Nam Á để tăng cường sản xuất thiết bị chíp bán dẫn. Ảnh: Economictimes

Thời gian gần đây, nhiều công ty thông báo chuyển nhà máy đến Đông Nam Á, cho thấy sự liên quan của khu vực này trong chuỗi cung ứng sản xuất.

Straits Times lưu lý, việc đóng cửa các nhà máy và cảng biển trên khắp thế giới sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Covid-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào tháng 3.2000 dẫn đến tắc nghẽn trong cung ứng toàn cầu, ngay cả khi nhiều quốc gia khác sau đó mở lại biên giới để tiếp tục sản xuất, kinh doanh. 

Để tránh sự chậm trễ tốn kém trong sản xuất và hậu cần, ngày càng nhiều công ty bán dẫn của Mỹ chuyển cơ sở sản xuất và chuyển các khoản đầu tư mới sang Đông Nam Á.

Ví như năm 2021, nhà sản xuất chip GlobalFoundries thông báo đầu tư khoảng 4 tỷ USD vào một cơ sở sản xuất ở Singapore để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên toàn cầu đối với chip bán dẫn.

Hay Tập đoàn Intel công bố kế hoạch đầu tư hơn 7 tỷ USD vào một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip ở bang Penang của Malaysia.

Công ty Foxconn Technology của Đài Loan - chuyên sản xuất thiết bị điện tử cho Tập đoàn Apple được Chính phủ Việt Nam cấp phép xây dựng nhà máy trị giá 270 triệu USD để sản xuất máy tính xách tay và máy tính bảng.

Straits Times dẫn lời ông Jajiv Biswas - nhà kinh tế trưởng của công ty nghiên cứu S&P Global Market Intelligence, rằng Đông Nam Á là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp điện tử.

Ông Jajiv Biswas nói: "Do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và chậm trễ nghiêm trọng trong thời gian cung cấp cho các thành phần quan trọng trong ngành công nghiệp điện tử toàn cầu trong thời kỳ đại dịch, các công ty điện tử đang ngày càng đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ cho khu vực Đông Nam Á".

Ông Moore Stephens - cố vấn cấp cao của công ty dịch vụ chuyên nghiệp Moore Stephens nhận định: "Các quốc gia ở Đông Nam Á đang trở thành những vị trí quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các doanh nghiệp di chuyển khỏi Trung Quốc sau đại dịch, mang lại lợi ích cho người dân khu vực. Trong một thời gian ngắn trước đó vào năm 2022, các dự báo tăng trưởng cho khu vực có vẻ đầy hứa hẹn".

Cạnh đó, dữ liệu tháng 6 từ S&P Global Market Intelligence cho thấy sự mở rộng tổng thể vững chắc trong lĩnh vực sản xuất của khu vực.

Ông Jajiv Biswas tin rằng, Đông Nam Á vẫn là điểm đến chính cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của các công ty đa quốc gia từ Mỹ, Liên minh châu Âu và Đông Bắc Á.

Trong báo cáo mới nhất, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á năm nay sẽ đạt 5% trong bối cảnh nhu cầu nội địa tăng cao nhờ việc nới lỏng các hạn chế do Covid-19. Riêng tăng trưởng năm 2022 của Indonesia đạt 5%, Philippines đạt 6%, Thái Lan đạt 3%, Singapore đạt 4,3%, Malaysia đạt 6% và Việt Nam đạt cao nhất ở mức 6,5%. 
(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Triển vọng phục hồi kinh tế Đông Nam Á
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO