Việt Nam trong top các nước chuyển đổi năng lượng tái tạo

QUỐC HƯNG 17/04/2022 15:14

(QNO) - Quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời đang diễn ra nhanh tại Hà Lan, Australia và Việt Nam.

Trang trại điện gió Trung Nam được khánh thành tại huyện Thuận Bắc. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)
Trang trại điện gió tại tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: TTXVN

Trên toàn cầu, đầu tư lắp đặt cơ sở hạ tầng để khai thác các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tăng mạnh vào năm 2021.

Nguồn năng lượng sạch tạo ra 38% điện năng tiêu thụ trên thế giới vào năm 2021. Lần đầu tiên, chỉ riêng gió và mặt trời tạo ra 10% điện năng toàn cầu vào năm ngoái. Đó là tín hiệu vui trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Như vậy, tỷ trọng điện gió và điện mặt trời năm 2021 tăng gấp đôi kể từ năm 2015, khi Thỏa thuận khí hậu Paris được 195 quốc gia ký kết nhằm hạn chế tình trạng nóng lên toàn cầu. 

Theo nghiên cứu từ EMBER - một tổ chức tư vấn về khí hậu và năng lượng, hiện có 50 quốc gia sở hữu hơn 1/10 sản lượng điện tiêu thụ là từ điện gió và mặt trời.

Khi các nền kinh tế trên thế giới phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhu cầu về năng lượng tăng vọt.

Đáng chú ý, việc chuyển đổi năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời diễn ra nhanh ở Hà Lan, Australia và Việt Nam. Cả 3 quốc gia này chuyển 1/10 nhu cầu điện từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn xanh trong 2 năm qua.

Bà Hannah Broadbent thuộc EMBER nói: “Hà Lan là ví dụ tuyệt vời về một quốc gia chứng minh rằng mặt trời không chỉ là nguồn chiếu sáng, mà còn có chính sách môi trường phù hợp để tạo ra sự khác biệt lớn”.

Việt Nam cũng có mức tăng trưởng ngoạn mục, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng mặt trời, tăng hơn 300% chỉ trong một năm.

Ông Dave Jones - Trưởng Chương trình toàn cầu của  EMBER cho biết, Việt Nam đã có một bước tiến lớn trong sản xuất năng lượng mặt trời. Chính phủ khuyến khích người dân đầu tư điện mặt trời và sẽ thu mua điện mặt trời tại các hộ gia đình. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng mà còn dẫn đến sự sụt giảm trong sản xuất than và khí đốt.

Các kỹ sư làm việc tại cánh đồng gió mà mặt trời tại Hà Lan. Ảnh: evwind.es
Kỹ sư làm việc tại cánh đồng điện gió ở Hà Lan. Ảnh: Evwind.es

Tuy nhiên, thống kê của EMBER cũng cho thấy, than đá chứng kiến ​​sự hồi sinh vào năm 2021 khi giá các nguồn năng lượng khác tăng nhanh.

Phần lớn nhu cầu năng lượng tăng trong năm 2021 được đáp ứng bằng nhiên liệu hóa thạch với nhiệt điện than, tăng 9%, là tốc độ nhanh nhất kể từ năm 1985, nhiều nhất là ở các nước châu Á bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

Dù vậy, các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Anh, Đức và Canada đang hướng tới việc chuyển lưới điện của họ sang sử dụng điện 100% không khí thải CO2 trong vòng 15 năm tới.

Để giữ cho nhiệt độ thế giới tăng dưới 1,5 độ C, đến năm 2030 điện gió và điện mặt trời phải đạt được mức tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm. Theo EMBER, điều này là hoàn toàn khả thi.

Ông Dave Jones cho biết, giá dầu và khí đốt hiện nay ở châu Âu và nhiều nước châu Á cao hơn đến 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó giá than thì cao hơn 3 lần.

Do đó, giá của 2 nguồn nhiên liệu này cần có sự điều chỉnh hợp lý. Ngoài ra, còn một lý do khác khiến nhu cầu về điện sạch gia tăng, đó là nền kinh tế của các nước cơ bản đã có sự thay đổi.

Bà Hannah Broadbent nhận định: “Khai thác điện gió và mặt trời là hướng đi đúng. Chúng đưa ra giải pháp cho nhiều cuộc khủng hoảng mà thế giới đang phải đối mặt, cho dù đó là khủng hoảng khí hậu hay sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, thì đây có thể là một bước ngoặt thực sự”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Việt Nam trong top các nước chuyển đổi năng lượng tái tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO