Mục tiêu của thể thao đất Quảng trong năm 2014 - năm diễn ra nhiều hoạt động thể dục thể thao (TDTT) khá quy mô, trong đó đáng chú ý là Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII và Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII, sẽ là “Chống tiêu cực, nâng chất lượng”.
“Năm đại hội”
Với ngành TDTT đất Quảng, năm 2014 được coi là “năm đại hội”, bởi song song với nhiệm vụ tổ chức Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII còn chuẩn bị lực lượng tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014. Ngoài ra, một sự kiện mang nhiều ý nghĩa khác là phối hợp tổ chức Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam lần thứ XVIII (diễn ra tại huyện Bắc Trà My) - sân chơi đầy màu sắc của đồng bào các dân tộc miền núi của tỉnh với quy mô lớn, 4 năm diễn ra một lần.
Giải Việt dã truyền thống Báo Quảng Nam - môn thi đấu trong khuôn khổ Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII.Ảnh: PH.THẢO |
Đại hội TDTT toàn quốc là dịp để đánh giá chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo vận động viên (VĐV) của các tỉnh, thành phố trong chu kỳ 4 năm. Do đó, ngay từ tháng 9.2013, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chuẩn bị VĐV tham gia thi đấu. Đại hội lần này, Quảng Nam có 54 VĐV tham gia tranh tài tại 6 môn (Taekwondo, Karatedo, Pencak Silat, Vovinam, Võ cổ truyền, Bắn súng) với chỉ tiêu 3 huy chương vàng. Chỉ tiêu giành vàng lớn nhất gần như chỉ “gói gọn” ở các môn Taekwondo, Karatedo và Võ cổ truyền, tập trung vào một số cái tên quen thuộc gồm Nguyễn Phi Tuấn, Bùi Như Mỹ, Trần Thị Mỹ Khanh, Nguyễn Hồng Ninh, Đỗ Thị Ngọc Luận và nhà vô địch SEA Games 27 Phạm Thị Thu Hiền.
Trong khi đó, dù đã có 5 môn được tổ chức trong năm 2013 nhưng năm 2014 mới thật sự là thời điểm “bận rộn” của Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII. Ngoài lễ khai mạc (dự kiến diễn ra tối 20.3) và bế mạc, 16 môn còn lại của đại hội sẽ đồng loạt khai diễn trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6. Đại hội TDTT tỉnh được coi là ngày hội của toàn dân vì thu hút tất cả các đối tượng tham gia, được chia thành 3 khối, gồm: các huyện đồng bằng, thành phố; các huyện miền núi; ngành, lực lượng vũ trang. Thêm vào đó, điều kiện để được xếp hạng toàn đoàn cũng được Ban tổ chức quy định khá nghiêm ngặt, như các huyện đồng bằng, thành phố phải tham gia ít nhất 10/15 môn và đủ 6 môn bắt buộc; các huyện miền núi phải tham gia ít nhất 8/10 môn và đủ 4 môn bắt buộc; các ngành, lực lượng vũ trang phải tham gia ít nhất 4/6 môn và đủ 3 môn bắt buộc.
Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi tỉnh cũng là một trong những hoạt động quy mô lớn đáng chú ý trong năm. Bên cạnh các môn văn hóa, nghệ thuật, sân chơi này còn có 6 môn thể thao truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số như bắn ná, đẩy gậy, kéo co, việt dã leo núi… cùng các môn thể thao quân sự, công an.
Trung thực - cao thượng
“Đoàn kết - trung thực - cao thượng” không chỉ là câu khẩu hiệu mà còn là lời tuyên hứa của Ban tổ chức, trọng tài, vận động viên (VĐV) tại bất cứ giải đấu thể thao nào. Tất cả khán giả cũng đều mong muốn như thế, bởi thành tích là kết quả từ sự nỗ lực của bản thân mỗi VĐV, sự quan tâm đầu tư của mỗi địa phương. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi và như thừa nhận của nhiều cán bộ làm công tác TDTT, tình trạng tiêu cực trong thể thao vẫn thường diễn ra, nhất là thể thao phong trào, tại các đại hội, lễ hội những năm trước đây. Vấn đề là, ai cũng biết nhưng không ai nói ra.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn, Đại hội TDTT tỉnh Quảng Nam lần thứ VII năm 2014 là ngày hội của người dân toàn tỉnh chào mừng kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm. Vì vậy, công tác chuẩn bị phải chu đáo về nhiều mặt, việc tổ chức thi đấu đúng điều lệ, chất lượng chuyên môn tốt với tinh thần đoàn kết, trung thực, cao thượng, tránh chạy theo thành tích. “Ngành VH-TT&DL phải xây dựng điều lệ giải chặt chẽ, đúng quy định; các ngành chức năng, đặc biệt là công an tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện gian dối của các địa phương trong việc mượn VĐV, thi đấu thiếu trung thực” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nói. |
Thể thao trước hết phải trung thực, cao thượng. Bà Huỳnh Thị Thùy Dung - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho rằng, tại các Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi trước đây, bệnh thành tích vẫn còn khá nặng khiến không ít địa phương vay mượn VĐV từ nơi khác về để kiếm thành tích. Điều này khiến cho sân chơi mất đi ý nghĩa và thiếu sự hấp dẫn. “Thể thao là sức khỏe mà sức khỏe thì không thể vay mượn của người khác. Quan điểm của huyện Bắc Trà My là không bao giờ tiêu cực để chạy theo thành tích. Là địa phương chủ nhà của Lễ hội Văn hóa - thể thao các huyện miền núi sắp tới, tôi đề nghị Ban tổ chức nêu cao tinh thần và quyết tâm hơn trong việc chống tiêu cực, không để xảy ra gian lận. Có như vậy, lễ hội mới đúng ý nghĩa là sân chơi của đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh” - bà Dung chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL cho rằng, Đại hội TDTT và Lễ hội Văn hóa - thể thao lần này, quan điểm của ngành là mạnh mẽ chống tiêu cực, nhất là việc gian lận VĐV. Để đạt được kết quả tốt, bên cạnh việc xây dựng điều lệ chặt chẽ, khoa học của Ban tổ chức, rất cần sự phối hợp của ngành chức năng. Các địa phương cũng phải nghiêm túc thực hiện đúng nội quy, quy định của điều lệ giải, kiên quyết “nói không” với tiêu cực. Cạnh đó, phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng phong trào. “Sau đại hội, cần có sự đối chiếu để biết được chất lượng có nâng lên, thành tích của các VĐV có tốt lên không. Đó mới là điều quan trọng” - ông Hài phân tích.
TƯỜNG VY