Chính sách thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao: Bước đột phá để thể thao xứ Quảng bứt phá (bài 1)

TƯỜNG VY 12/10/2022 06:43

Tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa X, sắp tới, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2026 sẽ được đưa ra bàn thảo, quyết định. Nếu được thông qua, đây sẽ là bước đột phá hy vọng có thể giúp thể thao xứ Quảng phát triển vượt bậc.

Vận động viên Phạm Thị Thu Hiền (người nhận bằng khen) làm rạng danh Quảng Nam khi tham dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp và mang về 3 HCV, 2 HCB. Ảnh: T.V
Vận động viên Phạm Thị Thu Hiền (người nhận bằng khen) làm rạng danh Quảng Nam khi tham dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp và mang về 3 HCV, 2 HCB. Ảnh: T.V

VỊ THẾ QUẢNG NAM VÀ NHỮNG VỤ “CHẢY MÁU TÀI NĂNG”

Tái lập tỉnh năm 1997, thể thao Quảng Nam gần như phải “làm lại từ đầu”. Nhưng không mất quá nhiều thời gian để các vận động viên thể hiện mình và mang về thành tích cao ở các sân chơi quốc gia, quốc tế làm rạng danh quê hương.

Khẳng định vị thế

Trong 25 năm qua, ngành TD-TT đào tạo được gần 900 VĐV, trong đó 288 VĐV đạt 1.496 huy chương các loại tại các giải khu vực, quốc gia và quốc tế. Trong đó, giải quốc tế có 38 HCV, 22 HCB và 22 HCĐ. Quảng Nam có nhà vô địch thế giới, vô địch châu Á, vô địch SEA Games.

Sau hai năm “vừa làm vừa học”, năm 1999 Quảng Nam mới chính thức bắt tay vào công tác đào tạo, huấn luyện thể thao thành tích cao một cách bài bản qua việc thành lập Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh (nay là Trung tâm Đào tạo - Thi đấu TD-TT tỉnh).

Rất nhanh chóng, cái tên Quảng Nam bắt đầu xuất hiện trên bản đồ thể thao cả nước khi vận động viên (VĐV) Đặng Thị Thúy và Đặng Văn Chín mang về 2 huy chương vàng (HCV) vô địch quốc gia môn Pencak Silat.

Đặc biệt hơn, cũng trong năm 1999, hai VĐV Thúy - Chín còn thi đấu xuất sắc mang vinh quang về cho Tổ quốc bằng 2 tấm HCV tại đấu trường SEA Games 20. Sau đó, cô gái người Núi Thành này còn tỏa sáng thêm một lần nữa khi giành HCV vô địch thế giới và HCV vô địch quốc gia vào năm 2000 trước khi giã từ sự nghiệp thi đấu, chuyển sang làm công tác huấn luyện.

Từ thành công ban đầu “hơn cả mong đợi” đó, thể thao xứ Quảng dần khẳng định vị thế của mình qua thành tích ở các giải vô địch quốc gia hàng năm, đại hội TD-TT toàn quốc. Đáng chú ý, hầu như tất cả kỳ SEA Games từ năm 1999 đến nay trong màu áo đội tuyển quốc gia đều có VĐV Quảng Nam góp mặt và thi đấu thành công.

Những gương mặt tiêu biểu của thể thao Quảng Nam để lại dấu ấn đậm nét kể từ ngày tái lập tỉnh đến nay ngoài thế hệ “đầu đời” Đặng Thị Thúy, Đặng Văn Chín còn có thể kể đến như Lê Thị Hồng Ngoan môn Pencak Silat (2 HCV thế giới, 1 HCV châu Á, 1 HCV SEA Games), Bùi Thị Triều môn Karatedo (2 HCV SEA Games, 3 HCV vô địch quốc gia), Nguyễn Thị Hòa môn điền kinh (1 HCB SEA Games, 8 HCV vô địch quốc gia), Nguyễn Hồng Ninh môn Võ cổ truyền (1 HCV thế giới, 6 HCV vô địch quốc gia).

Trẻ tuổi nhất, thành tích nhiều nhất và hiện còn đang thi đấu là Phạm Thị Thu Hiền môn Taekwondo. Trong sự nghiệp thi đấu của mình đến nay, cô gái sinh năm 1995 này đã giành được 1 HCĐ tại đấu trường Asiad (người Quảng Nam đầu tiên tham gia Asiad), 1 HCV vô địch Đông Nam Á, 4 HCV vô địch quốc gia và đặc biệt lập kỳ tích “vô tiền khoáng hậu” tham dự 5 kỳ SEA Games liên tiếp và mang về 3 HCV và 2 HCB.

Ở môn bóng đá cũng có một số cầu thủ tài năng trưởng thành từ lò đào tạo Quảng Nam như Huỳnh Quốc Anh (Quả Bóng vàng Việt Nam năm 2012), Huỳnh Tấn Sinh (tuyển thủ U23 Việt Nam giành HCV SEA Games).

Trong điều kiện đầu tư còn hạn chế, quy mô đào tạo thể thao thành tích cao còn khiêm tốn, song thành tích đạt được rõ ràng rất khả quan. Đây là thành quả từ sự quan tâm của tỉnh, nỗ lực của ngành, ý chí quyết tâm trong tập luyện, thi đấu của các VĐV, huấn luyện viên (HLV), góp phần khẳng định vị thế thể thao xứ Quảng.

Không giữ được người tài

Chặng đường phát triển 25 năm qua, thể thao Quảng Nam cũng có những nốt trầm, mà vụ “chảy máu tài năng” cầu thủ trẻ Huỳnh Quốc Anh và tuyển thủ quốc gia Lê Thị Hồng Ngoan là việc rất đáng tiếc. Trong đó, nữ võ sĩ môn Pencak Silat chia tay Quảng Nam khi tài năng đang độ chín trở thành cú “sốc” lớn, gây hụt hẫng cho nhiều người làm công tác TD-TT thời điểm đó.

Khen thưởng huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành TD-TT (1946 - 2021). Ảnh: T.V
Khen thưởng huấn luyện viên đạt thành tích xuất sắc nhân kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành TD-TT (1946 - 2021). Ảnh: T.V

Lê Thị Hồng Ngoan sinh năm 1983 quê huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) nhưng được tuyển chọn vào đào tạo từ lúc mới 14 tuổi tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT Quảng Nam vào cuối năm 1997.

Tại đây, dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hồng Anh, tài năng của Hồng Ngoan phát triển nhanh chóng và trở thành VĐV chủ lực của thể thao Quảng Nam lúc bấy giờ. Mới 22 tuổi nhưng trong tay cô đã sưu tập được bảng thành tích đáng nể với 2 HCV thế giới, 1 HCV châu Á, 1 HCV SEA Games, 5 HCV vô địch quốc gia.

Được xem là “cô gái vàng” và đang ở đỉnh cao của sự nghiệp thì bất ngờ, ngày 9.9.2005, Giám đốc Sở TD-TT thời điểm lúc đó là ông Trần Thế Thái ký quyết định thuyên chuyển VĐV Lê Thị Hồng Ngoan đến tập luyện và thi đấu cho Sở TD-TT TP.Đà Nẵng. Đó là sự tiếc nuối của những người làm thể thao Quảng Nam bởi mất đi một trong những VĐV đầu tàu khi mà trong 5 năm thi đấu cho thể thao Đà Nẵng sau đó, Hồng Ngoan mang về 2 HCV SEA Games, 1 HCV thế giới và nhiều HCV vô địch quốc gia.

Cũng từ Đà Nẵng đã kéo cầu thủ trẻ tài năng Huỳnh Quốc Anh rời bóng đá Quảng Nam năm 2002 (khi đó đội bóng đá do Sở TD-TT quản lý). Mới 17 tuổi, nhưng cầu thủ người Bắc Trà My đã thể hiện được khả năng của mình trong đội hình chính thức của đội bóng Quảng Nam khi ấy còn thi đấu ở giải hạng Nhì dưới sự dẫn dắt của HLV Bùi Thông Tuân.

Tuy nhiên, chỉ một năm sau Huỳnh Quốc Anh đã chuyển “hộ khẩu” về SHB Đà Nẵng và sau này xuất sắc đoạt danh hiệu Quả bóng vàng Việt Nam. Sau khi giải nghệ, Quốc Anh làm công tác đào tạo bóng đá trẻ tại SHB Đà Nẵng và mới đây quyết định trở lại nơi mình trưởng thành làm trợ lý cho HLV Văn Sỹ Sơn tại đội bóng Quảng Nam.

Sau Hồng Ngoan và Quốc Anh, cũng có một vài trường hợp chia tay Quảng Nam song không “nổi đình nổi đám” bởi không phải là những VĐV xuất sắc nhất. Tuy nhiên, lại có tình trạng “chảy máu tài năng” theo dạng khác. Đó là nhiều em đam mê thể thao và có năng khiếu ở các địa phương song gia đình lại không “mặn mà” khi được ngành thể thao Quảng Nam đặt vấn đề tuyển chọn đào tạo nhưng lại sẵn sàng nhận lời ra Đà Nẵng tập luyện để tìm cơ hội phát triển.

Theo chia sẻ của các HLV, thể thao Đà Nẵng có điều kiện cơ sở vật chất phục vụ tập luyện tốt nên cơ hội phát triển tài năng lớn hơn. Cạnh đó, chế độ chính sách đãi ngộ hấp dẫn hơn nên việc thu hút được nhiều tài năng từ các địa phương khác chứ không riêng gì Quảng Nam là điều không ngạc nhiên. Ngay cả một vài HLV Quảng Nam cũng đã xin chuyển công tác ra Đà Nẵng.

Cần giải pháp sát sườn

Hiện nay, ngoài quy định khen thưởng khi đạt thành tích trong thi đấu hàng năm, Quảng Nam chưa có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đối với VĐV, HLV thể thao thành tích cao như một số địa phương khác. Trong quá khứ, chỉ có trường hợp cá biệt duy nhất nhận được đãi ngộ là VĐV Đặng Thị Thúy được UBND tỉnh hỗ trợ đất ở sau khi xuất sắc giành tấm HCV SEA Games 20 năm 1999 và HCV thế giới năm 2000.

Theo ông Phan Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Thi đấu TD-TT tỉnh, có VĐV tâm sự, do tuổi đã lớn, sự nghiệp thi đấu không còn nhiều nên xin thầy cho đi địa phương khác thi đấu để có ít tiền lo cho tương lai sau này. Nhưng vì tình nghĩa thầy trò, sau khi động viên, VĐV này đã đồng ý ở lại cống hiến cho quê hương.

Trong khi đó, giải quyết đầu ra đối với VĐV sau khi giải nghệ là “bài toán” nan giải. Thời gian qua, ngành TD-TT linh động giải quyết cho những VĐV đạt thành tích cao sau khi kết thúc sự nghiệp thi đấu, có kinh nghiệm và nguyện vọng tiếp tục gắn bó với thể thao bằng việc hợp đồng để làm công tác huấn luyện, đào tạo trẻ.

Tuy nhiên, do chưa có cơ chế nên chỉ giải quyết một phần nhỏ (khoảng 10 VĐV), còn phần lớn VĐV tự xoay xở công việc kiếm sống. Thời còn là VĐV, do tập trung toàn lực cho tập luyện, thi đấu để đạt thành tích nên không có nhiều thời gian dành cho việc học phổ thông cũng như học nghề. Đây cũng là một thiệt thòi đối với VĐV thể thao thành tích cao.

----------------------
Bài cuối: Hướng đến thành tích cao

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chính sách thu hút, đãi ngộ vận động viên, huấn luyện viên thể thao: Bước đột phá để thể thao xứ Quảng bứt phá (bài 1)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO