"Chốt hạ" V-League 2021: Hủy giải

TƯỜNG VY 28/08/2021 05:44

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng, số phận của V-League 2021 đã được định đoạt khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) quyết định hủy giải nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính cho các đội bóng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Công Phượng cùng các đồng đội Hoàng Anh Gia Lai vẫn chờ mình có được trao cúp vô địch V-League 2021 hay không? Ảnh: T.V
Công Phượng cùng các đồng đội Hoàng Anh Gia Lai vẫn chờ mình có được trao cúp vô địch V-League 2021 hay không? Ảnh: T.V

Hủy các giải chuyên nghiệp

Quyết định hủy giải đấu cao nhất Việt Nam được đưa ra sau cuộc họp Ban chấp hành VFF hôm 21.8 và sau đó là cuộc họp trực tuyến giữa VFF, Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và 27 câu lạc bộ chuyên nghiệp ngày 24.5.

Mà không chỉ V-League, toàn bộ hệ thống giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bao gồm cả giải hạng Nhất và Cúp quốc gia cũng chính thức bị hủy bỏ dù chưa đi được nửa chặng đường.

Đến thời điểm này, các giải đấu đã tạm dừng gần 4 tháng và trước đó đã từng có kế hoạch trở lại với V-League vào tháng 2.2022, còn giải hạng Nhất từ tháng 11.2021.

Nhiều câu lạc bộ đã thể hiện sự đồng tình rất cao với chỉ đạo mới nhất của VFF. Bởi cách đây không lâu (hôm 6.8), khi VFF có nghị quyết đồng ý kế hoạch của VPF đệ trình về việc tiếp tục tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam thì nhiều câu lạc bộ phản ứng quyết liệt vì kế hoạch này khiến họ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về tài chính nếu mùa giải kéo dài đến năm 2022.

Chính vì vậy mà lần này đích thân Chủ tịch VFF - ông Lê Khánh Hải chủ trì cuộc họp Ban chấp hành và đi đến quyết định mang tính lịch sử của bóng đá Việt Nam.

Có thể nói, việc hủy giải đấu là điều hoàn toàn hợp lý trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Cả nước đang gồng mình, dốc sức tập trung chống dịch nên chắc chắn chẳng ai có thể nghĩ đến bóng đá, ngoại trừ các giải đấu quốc tế theo kế hoạch của đội tuyển quốc gia, chẳng hạn như vòng loại cuối cùng World Cup sắp tới đây.

Tất nhiên, việc mùa giải không thể hoàn thành trọn vẹn ít nhiều sẽ tạo ra hệ lụy cho các cầu thủ, nhất là thu nhập bị ảnh hưởng. Nhưng biết làm sao được khi mà tất cả ngành nghề hiện nay cũng đều chịu ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh chứ không riêng gì giới cầu thủ.

Cúp vô địch, xuống hạng bỏ ngỏ

Một trong những vấn đề liên quan đến giải đấu bị hủy giữa chừng vì lý do bất khả kháng đó là xác định vị thứ các đội như thế nào, có công nhận kết quả hiện tại để trao chức vô địch và có đội xuống hạng (với V-League) hay lên hạng và xuống hạng (với giải hạng Nhất) không? Sau 12 vòng đấu V-League, Hoàng Anh Gia Lai đang dẫn đầu bảng xếp hạng với 29 điểm, nhiều hơn đội xếp thứ nhì Viettel 3 điểm.

Ở nhóm cuối, Sông Lam Nghệ An cầm đèn đỏ với 10 điểm, cũng chỉ ít hơn 3 điểm so với đội xếp trên là Sài Gòn. Trong khi đó, cuộc cạnh tranh ngôi đầu ở giải hạng Nhất diễn ra cũng quyết liệt không kém. Khánh Hòa xếp đỉnh bảng với 15 điểm (7 trận) còn Bà Rịa Vũng Tàu 13 điểm nhưng đá ít hơn 1 trận.

Đúng là Hoàng Anh Gia Lai mùa này thi đấu cực kỳ ấn tượng, qua 12 trận chỉ thất bại trận ra quân còn lại bất bại trong đó có đến 9 thắng lợi. Thế nhưng khoảng cách 3 điểm so với đương kim vô địch Viettel trong khi còn đến 6 trận đấu để quyết định chức vô địch nếu giải tiếp tục diễn ra rõ ràng khá mong manh.

Đây sẽ là bài toán đau đầu cho VPF và cả VFF trong việc quyết định phương án trao cúp vô địch cho đội bóng phố núi hay không hay chỉ công nhận vị thứ các đội.

Tương tự là suất rớt hạng đang treo lơ lửng trên đầu Sông Lam Nghệ An. Dù xếp chót bảng song nếu theo đúng kịch bản thì giải đấu còn đến 8 trận đấu để định đoạt vận mệnh.

Thời gian dư sức để đội bóng xứ Nghệ xoay chuyển tình thế, nhất là số điểm mà họ kém đội xếp trên chỉ đúng bằng một trận thắng. Vì vậy, nếu quyết định suất xuống hạng dành cho Sông Lam Nghệ An quả là oan nghiệt cho họ.

Tuy nhiên, những vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ sau cuộc họp hôm 24.5. Tất cả còn phải tiếp tục chờ trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Chốt hạ" V-League 2021: Hủy giải
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO