Đào tạo vận động viên năng khiếu ở cơ sở

ANH SẮC 11/06/2022 07:21

(QNO) - Thể thao thành tích cao muốn phát triển phải gắn liền với công tác đào tạo năng khiếu từ cơ sở để có những vận động viên chất lượng. Vì vậy, ngành VH-TT&DL đang xây dựng đề án về chế độ dinh dưỡng, hỗ trợ đối với vận động viên, huấn luyện viên tuyến năng khiếu tại cơ sở giai đoạn 2023 - 2030.

Đào tạo VĐV năng khiếu tại cơ sở sẽ góp phần tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển của tỉnh chất lượng. Trong ảnh: CLB Karate Quế Sơn giành giải nhất toàn đoàn giải Cup các CLB Karate tỉnh năm 2022. Ảnh: A.S
Đào tạo VĐV năng khiếu tại cơ sở sẽ góp phần tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển của tỉnh chất lượng. Trong ảnh: CLB Karate Quế Sơn giành giải nhất toàn đoàn giải Cup các CLB Karate tỉnh năm 2022. Ảnh: A.S

Khoảng trống năng khiếu cơ sở

Đào tạo, huấn luyện các môn thể thao thành tích cao của tỉnh do Trung tâm Đào tạo - Thi đấu TD-TT tỉnh thực hiện. Tại đây đang đào tạo tập trung 13 môn với chỉ tiêu 270 vận động viên (VĐV), trong đó 6 môn nằm trong nhóm 10 môn thể thao trọng điểm loại I đầu tư phát triển của Việt Nam (điền kinh, Taekwondo, Karatedo, bắn súng, cầu lông, bóng bàn), 6 môn nằm trong nhóm 22 môn thể thao trọng điểm loại II (bóng chuyền, Wushu, đua thuyền, quần vợt, Vovinam, bowling) và 1 môn thể thao truyền thống (Võ cổ truyền).

Theo đề án, giai đoạn 2023 - 2030 số lượng VĐV năng khiếu được đào tạo tại cơ sở từ 120 tăng lên 260, tương ứng với số lượng HLV từ 12 tăng lên 26. Ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ chế độ dinh dưỡng trong thời gian tập luyện như sau: 80.000 đồng/buổi đối với HLV, 40.000 đồng/buổi với VĐV; chế độ hỗ trợ 90.000 đồng/buổi đối với HLV, 15.000 đồng/buổi đối với VĐV. Thời gian chi trả là thời gian tập luyện thực tế nhưng không quá 3 buổi/tuần; tổng kinh phí thực hiện dự kiến là 17 tỷ đồng.

Đánh giá về công tác đào tạo, huấn luyện thời gian qua, theo ông Tào Viết Hải - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, nhìn chung các bộ môn được lựa chọn đào tạo đều phù hợp với tố chất, con người Quảng Nam, mang lại những kết quả tương xứng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh.

Trong giai đoạn 2010 - 2018 đã hình thành được hệ thống đào tạo gồm 4 tuyến là học sinh năng khiếu, đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh.

Tuy nhiên, hiện chỉ còn 3 tuyến đội tuyển gồm đội tuyển năng khiếu, đội tuyển trẻ, đội tuyển tỉnh.

Thời gian qua, chế độ chính sách đối với VĐV, huấn luyện viên (HLV) 3 tuyến được thực hiện khá tốt, mới nhất là quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với VĐV, HLV đội tuyển năng khiếu tỉnh theo Nghị quyết 10 (16.3.2021) của HĐND tỉnh.

Tồn tại, hạn chế đáng chú ý trong công tác đào tạo hiện nay, là số lượng HLV thể thao thành tích cao của tỉnh còn quá ít, chưa đảm bảo công tác huấn luyện chuyên sâu. Hiện trung tâm đào tạo 13 môn, mỗi môn 3 đội tuyển song tổng cộng chỉ có 21 HLV (11 biên chế) làm công tác huấn luyện.

Tỉnh chưa có chính sách xã hội hóa trong công tác phát hiện, tuyển chọn đào tạo thể thao thành tích cao; cũng chưa có cơ chế, chính sách đào tạo VĐV năng khiếu tuyến cơ sở để tạo nguồn tuyển chọn VĐV các đội tuyển của tỉnh.

Cần chế độ cho VĐV cơ sở

Không thể có VĐV tài năng để phát triển đỉnh cao nếu không được đào tạo, phát hiện từ nhỏ ở cơ sở. Trong khi đó, lực lượng HLV của tỉnh rất mỏng, khó có thể tìm kiếm, phát hiện tài năng nhỏ tuổi trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố.

Ông Phan Văn Hạ - Giám đốc Trung tâm Đào tạo - Thi đấu TD-TT tỉnh cho biết, thực tế các năm trước vẫn tổ chức đào tạo tại cơ sở. Việc này giúp công tác tuyển chọn VĐV năng khiếu lên các đội tuyển tỉnh được thuận lợi và có chất lượng hơn.

“Có những môn đào tạo từ rất nhỏ, chỉ 9 - 10 tuổi và kéo dài 9 - 10 năm như cầu lông, bơi lội, cờ. Nhưng đưa các em lên tỉnh tập trung đào tạo là rất khó, phụ huynh không đồng ý. Hơn nữa, đào tạo tại tỉnh rất tốn kém” - ông Hạ phân tích.

Từ thực tiễn công tác phát hiện năng khiếu, tổ chức tập trung VĐV vào đội tuyển năng khiếu tỉnh từ lúc nhỏ còn nhiều bất cập, chưa đạt hiệu quả cao, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Thanh Hồng cho rằng, lực lượng VĐV năng khiếu tại cơ sở là nguồn tuyển chọn quý giá cho tỉnh nên rất cần thiết phải triển khai chương trình đào tạo năng khiếu này cũng như có chế độ, chính sách hỗ trợ dành cho đối tượng VĐV, HLV.

Vì vậy, ngành VH-TT&DL xây dựng đề án về chế độ dinh dưỡng, chế độ hỗ trợ đối với VĐV, HLV tuyến năng khiếu tại cơ sở giai đoạn 2023 - 2030, tham mưu UBND tỉnh và HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức mới đây, ý kiến của các sở, ban ngành đều thống nhất về sự cần thiết phải có chính sách hỗ trợ cho công tác đào tạo VĐV năng khiếu ở cơ sở.

Kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở Tài chính và các sở, ngành liên quan hoàn thiện đề án, tham mưu UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh theo hướng sửa đổi Nghị quyết 10 (16.3.2021) của HĐND tỉnh quy định về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với VĐV, HLV.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đào tạo vận động viên năng khiếu ở cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO