Thể thao học đường và... học phí

ANH SẮC 04/12/2015 13:33

Kế hoạch đưa các môn thể thao, mà trước tiên là 2 môn Karatedo và Taekwondo vào trường học do Sở VH-TT&DL phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức được coi là chủ trương đúng nhằm đem lại nhiều cái lợi cho cả 2 ngành, đó là vừa phát triển giáo dục thể chất, vừa góp phần phát hiện năng khiếu trong lực lượng học sinh để có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo trở thành vận động viên. Trước mắt, có thể thấy chủ trương này gặp nhiều thuận lợi khi nhận được sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, ngành GD-ĐT và trường học - những nơi được chọn tổ chức triển khai thí điểm (gồm Trường THCS Lý Thường Kiệt và Lý Tự Trọng của TP.Tam Kỳ, THCS Phan Châu Trinh của thị xã Điện Bàn, THCS Phan Châu Trinh của huyện Duy Xuyên).

Giải bơi học sinh toàn tỉnh. Ảnh: ANH SẮC
Giải bơi học sinh toàn tỉnh. Ảnh: ANH SẮC

Nhưng câu chuyện đưa các môn thể thao vào giảng dạy trong trường học không chỉ dừng lại ở đó. Cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện chưa có hoặc thiếu thốn thì nhà trường đầu tư (mà thật ra dạy cho đối tượng học sinh không cần nhiều trang thiết bị tập luyện, theo kế hoạch Sở GD-ĐT đầu tư cho 4 trường chưa đến 40 triệu đồng). Thầy dạy thì mời các huấn luyện viên tại các câu lạc bộ và họ cũng sẵn sàng đảm nhận. Tuy nhiên, vấn đề quan tâm nhất ở đây là học phí. Là hoạt động thể thao ngoại khóa, người học phải đóng học phí để trả công cho thầy dạy. Vậy liệu các bậc phụ huynh học sinh có mặn mà với việc học này?

Theo kế hoạch của Sở VH-TT&DL và Sở GD-ĐT, trong năm đầu tiên triển khai, người học sẽ được miễn học phí hoàn toàn (Sở VH-TT&DL chịu trách nhiệm chi trả tiền cho thầy dạy). Kể từ năm thứ 2 trở đi, phụ huynh học sinh phải đóng học phí với mức thu đủ để trả công cho thầy dạy. Còn lại, các hoạt động tổ chức thi đấu giao lưu, khen thưởng cho vận động viên trong quá trình tập luyện, thi đấu hay mua sắm phương tiện, dụng cụ tập luyện thì do ngân sách nhà nước hỗ trợ và nguồn vận động tài trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp.

Nghe có vẻ xuôi tai và hợp lý nhưng chưa hẳn sẽ dễ dàng. Một thực tế là ở huyện Điện Bàn, khi có chủ trương phổ cập bơi phòng chống đuối nước cho học sinh, rất nhiều bậc phụ huynh, học sinh tham gia hưởng ứng. Đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng được 3 bể bơi và qua đó đã có hàng nghìn em được tập bơi. Tuy nhiên, theo một lãnh đạo UBND huyện, khi bắt đầu chuyển sang thu học phí, rất nhiều gia đình không còn cho con em đi học bơi nữa. Vì vậy, đã có nhiều ý kiến băn khoăn với kế hoạch thu học phí khi đưa các môn võ thuật cũng như những môn thể thao khác vào giảng dạy trong trường học.

Thực tế thời gian qua ở một số nơi, người ta cũng đã tổ chức dạy các môn võ thuật hoặc nhiều môn thể thao khác cho lứa tuổi học sinh và thu hút nhiều em tham gia tập luyện. Dù vậy, khi có kế hoạch đưa vào trường học thì vấn đề học phí cần cân nhắc và hết sức thận trọng để vừa tạo điều kiện thuận lợi phát triển thể thao học đường, vừa không mang tiếng “dạy thêm thu tiền”.

ANH SẮC

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thể thao học đường và... học phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO