Thể thao phong trào, nhìn từ các hội, đoàn

AN NHI 17/01/2021 06:44

Để phong trào TD-TT phát triển, bên cạnh sự quan tâm của ngành và chính quyền địa phương còn cần có sự hỗ trợ từ các hội, liên đoàn. Với nhiều môn thể thao, thời gian qua chính các tổ chức xã hội tự nguyện này đã góp sức rất lớn cho sự lớn mạnh của phong trào.

Thi thăng đẳng quốc gia do Hội Karatedo tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức. Ảnh: An Nhi
Thi thăng đẳng quốc gia do Hội Karatedo tỉnh Quảng Nam đăng cai tổ chức. Ảnh: An Nhi

Sôi động hội, đoàn

Cuối tuần qua, Liên đoàn Cầu lông tỉnh Quảng Nam tổ chức đại hội lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Là một trong những tổ chức xã hội thể thao thành lập sớm nhất tỉnh (năm 2005) và đến nay đã trải qua 3 nhiệm kỳ hoạt động, liên đoàn đã mang lại hiệu ứng tích cực cho phong trào nói chung, hội viên nói riêng.

Hơn 2.000 hội viên, 82 câu lạc bộ được thành lập tại tất cả địa phương trên địa bàn tỉnh và hàng năm có hơn 240 giải đấu lớn nhỏ được tổ chức, cho thấy sự lớn mạnh của phong trào. Liên đoàn trải qua 15 năm kể từ ngày thành lập đến nay vẫn duy trì đều đặn giải cầu lông các câu lạc bộ tỉnh với quy mô ngày càng tăng, có năm lên đến 400 vận động viên tranh tài. Chỉ riêng khoản kinh phí để duy trì giải đấu truyền thống này hàng năm cũng đã cho thấy nỗ lực rất lớn của liên đoàn.

Bên cạnh Liên đoàn Cầu lông tỉnh Quảng Nam, thời gian qua nhiều hội, liên đoàn cũng có nhiều hoạt động sôi nổi như Liên đoàn Quần vợt tỉnh Quảng Nam, Hội Taekwondo, Hội Võ cổ truyền và đặc biệt là Hội Karatedo tỉnh Quảng Nam. Cuối năm 2020, tại Trung tâm Đào tạo - thi đấu TD-TT tỉnh đã diễn ra kỳ thi thăng đai, đẳng quốc gia năm 2020 cho 137 võ sinh đến từ các võ đường, câu lạc bộ trên địa bàn Quảng Nam cùng 2 địa phương lân cận là Quảng Ngãi và Đà Nẵng. Đây là lần thứ 3 Hội Karatedo tỉnh Quảng Nam đứng ra đăng cai, phối hợp với bộ môn Karatedo - Tổng cục TD-TT tổ chức tổ chức kỳ thi thăng đai, đẳng quốc gia, thể hiện vị thế của hội. Không dừng lại ở đó, hội còn thường xuyên tổ chức sân chơi dành cho các vận động viên trẻ nhằm động viên, phát triển phong trào tập luyện, thi đấu qua giải Karetedo trẻ hay giải cúp toàn tỉnh.

Nói về việc tạo sân chơi cho phong trào, Liên đoàn Bóng bàn tỉnh Quảng Nam cũng là một minh chứng cho vai trò và sự linh hoạt của các tổ chức xã hội tự nguyện. Vừa mới “trình làng” chưa đến nửa tháng sau đại hội lần thứ I (đầu tháng 12.2020), Liên đoàn Bóng bàn tỉnh đã tổ chức giải Bóng bàn các câu lạc bộ năm 2020 quy tụ hơn 110 tay vợt đến từ 20 câu lạc bộ trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là lần đầu tiên, những người yêu thích tập luyện môn thể thao này có cơ hội được thi đấu ở một giải đấu chính thức.

Cần sự góp sức

Từ thực tế cho thấy, không hẳn những môn thể thao phổ thông, được nhiều người yêu thích thì hội, liên đoàn mới có điều kiện để tổ chức hoạt động sôi nổi. Ngay cả một vài môn dù không phổ biến nhưng cũng làm được điều tương tự, tiêu biểu như Hội Karatedo tỉnh Quảng Nam. Là một tổ chức xã hội tự nguyện nên nguồn kinh phí để phát triển phong trào, tổ chức hoạt động chủ yếu là từ xã hội hóa, bao gồm lệ phí hội viên, thành viên, các nhà tài trợ, quảng cáo và một phần nào đó là sự hỗ trợ của Nhà nước… Tuy nhiên, một số hội, liên đoàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động nguồn lực nên tổ chức giải đấu hoành tráng, giải thưởng hấp dẫn. Ngược lại, có những hội, liên đoàn “nhà nghèo” bởi rất khó tìm nhà tài trợ trong khi nguồn hỗ trợ của Nhà nước lại rất ít nên “lực bất tòng tâm” trong tổ chức hoạt động.

Tại đại hội Liên đoàn Cầu lông tỉnh Quảng Nam vừa qua, Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông Việt Nam Lê Tấn Đạt dẫn lại câu nói “cán bộ nào phong trào ấy” và cho biết nhiều nhiệm kỳ Ban chấp hành Liên đoàn Cầu lông Việt Nam trước đây có sự tham gia của ủy viên Bộ Chính trị, các bộ trưởng nên cầu lông một thời gian dài có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Ở các địa phương cũng tương tự khi hiện nay nhiều lãnh đạo chủ chốt tích cực tham gia liên đoàn (nên thuận lợi trong việc tìm nhà tài trợ và tất nhiên nguồn ngân sách hỗ trợ cũng nhiều hơn). Liên đoàn Cầu lông tỉnh Quảng Nam từ ngày thành lập đến nay cũng có được thuận lợi này.

Mỗi môn thể thao đều có đặc thù, song làm sao để các hội, liên đoàn thể thao hoạt động hiệu quả thì còn nhiều việc phải làm. Trước hết cần được nhìn nhận và quan tâm hơn từ các cấp quản lý. Được như vậy, phong trào thể thao mới được hưởng lợi từ các hội, liên đoàn.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thể thao phong trào, nhìn từ các hội, đoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO