Bên cạnh những môn đã làm nên tên tuổi của thể thao xứ Quảng như Taekwondo, Karatedo, võ cổ truyền hay điền kinh, thời gian gần đây, hai môn thể thao Olympic là bắn súng và đua thuyền được tập trung đầu tư phát triển, từng bước mang lại quả ngọt đầu mùa.
Mới mở hơn 1 năm song đua thuyền đã có thành tích tốt. |
Bắn súng
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997, Quảng Nam đầu tư cho các môn võ thuật như pencak silat, taekwondo, karatedo, võ cổ truyền, điền kinh và gặt hái được khá nhiều thành công tại các giải quốc gia, thậm chí đấu trường quốc tế như SEA Games, châu Á và cả thế giới. Với định hướng tiếp tục đầu tư phát triển các môn Olympic, năm 2012, ngành TD-TT quyết định phát triển môn mới là bắn súng. Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh lúc đó chưa có huấn luyện viên (HLV) nên sau khi tuyển sinh, thông qua mối quan hệ, tất cả vận động viên (VĐV) môn bắn súng phải gửi ra Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Nẵng nhờ đào tạo giúp.
Khởi đầu của môn bắn súng khó khăn là vậy song thành quả gặt hái được lại vô cùng ấn tượng. Năm 2013, lần đầu tiên cái tên Quảng Nam góp mặt tại giải bắn súng quốc gia và bất ngờ hơn là xạ thủ trẻ Hồ Viết Thanh Sang lúc đó mới 15 tuổi (sinh năm 1998) đã xuất sắc giành được 3 HCV, trong đó có 2 HCV nội dung cá nhân. Chưa dừng lại ở đó, chỉ một năm sau, một lần nữa tên tuổi Thanh Sang lại được nhắc tới sau khi mang về 2 tấm HCV cá nhân tại giải thanh thiếu niên toàn quốc và được phong đẳng cấp kiện tướng quốc gia. Đặc biệt, Đại hội TD-TT toàn quốc lần thứ VII diễn ra cùng năm, “cánh chim lạ” người Quảng Nam tiếp tục làm cho các nhà chuyên môn và đối thủ phải ngỡ ngàng khi giành HCV nội dung súng trường hơi. Hồ Viết Thanh Sang và bắn súng Quảng Nam để lại dấu ấn trong làng bắn súng nước nhà từ đó.
Hiện nay, môn bắn súng nhận được quan tâm đầu tư hơn khá nhiều khi đã có HLV và 9 VĐV được tập luyện ngay tại Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh. Bên cạnh Hồ Viết Thanh Sang, VĐV trẻ Huỳnh Thị Mai Khuyên cũng là một tài năng đầy hứa hẹn của bắn súng Quảng Nam. Liên tiếp trong những năm gần đây, Mai Khuyên đều thể hiện được khả năng của mình với việc giành từ 1 - 2 HCV mỗi năm ở giải trẻ quốc gia. Dù là môn mới phát triển và còn nhiều khó khăn nhưng rõ ràng bắn súng đã tạo được ấn tượng cho thể thao xứ Quảng.
Đua thuyền canoeing và rowing
Tiếp tục thực hiện kế hoạch phát triển môn mới nhằm tạo ra sự đa dạng cho thể thao địa phương, tháng 8.2016, Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo môn đua thuyền canoeing và rowing. Đây cũng là môn thể thao trọng điểm trong chiến lược phát triển các môn thể thao Olympic của Ủy ban Olympic quốc gia và Tổng cục TD-TT nhằm đưa thể thao Việt Nam hội nhập với thể thao thế giới. Nếu so với môn bắn súng thì bước khởi đầu của môn đua thuyền thuận lợi hơn khá nhiều. Ngay sau khi có quyết định mở môn đua thuyền, trường được tuyển dụng 1 HLV chất lượng, từng là VĐV đội tuyển quốc gia và có kinh nghiệm làm công tác huấn luyện. Trang thiết bị phục vụ cho công tác tập luyện cũng được tỉnh quan tâm đầu tư kịp thời khi mua 4 chiếc thuyền trị giá gần 1 tỷ đồng.
Có được con người, trang thiết bị, vấn đề quan trọng là nơi tập luyện và công tác huấn luyện. Hiện nay, 6 VĐV môn canoeing hàng ngày được bố trí tập luyện trên sông Tam Kỳ còn 2 VĐV gửi tập tại Đà Nẵng - nơi có điều kiện tập luyện chất lượng hơn. Dù thời gian đầu tư luyện tập chưa nhiều, điều kiện cơ cở vật chất còn thiếu thốn nhưng với nỗ lực của thầy và trò, bước đầu đua thuyền đã có được kết quả khả quan. Tại giải vô địch quốc gia năm 2017, cặp đôi nữ VĐV Võ Thị Ánh Tuyết và Nguyễn Thị Hiền đã giành HCĐ môn rowing. Trong khi đó, môn canoeing cũng có được HCĐ giải cúp quốc gia do công của 4 VĐV Cao Viết Sĩ, Nguyễn Xuân Sa, Huỳnh Văn Toàn và Hồ Văn Âu. Thành tích còn khiêm tốn song bước khởi động như vậy là khá tốt, mang lại sự lạc quan cho HLV, VĐV để nỗ lực hơn nữa trong công tác huấn luyện, tập luyện.
Ông Phan Văn Hạ - Hiệu trưởng Trường Năng khiếu nghiệp vụ TD-TT tỉnh khẳng định, việc đầu tư phát triển môn bắn súng và đua thuyền là đúng hướng, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh, nhất là môn đua thuyền. Tất nhiên, việc đầu tư cho các môn thể thao Olympic rất tốn kém về mặt kinh phí nhưng lại khó có được thành tích cao. Bởi rất nhiều địa phương tập trung đầu tư, sự tranh chấp giữa các VĐV rất quyết liệt. Vì vậy, thành tích của thể thao Quảng Nam thời gian qua chủ yếu vẫn dựa vào các môn võ. Bắn súng và đua thuyền hiện nay chỉ là xây dựng nền tảng ban đầu để hướng tới tương lai. “Để hai môn này có khả năng giành thành tích cao trong thời gian tới, cần sự đầu tư đồng bộ và nhiều hơn nữa. Chẳng hạn, đua thuyền không chỉ có HLV, VĐV là đủ mà phải cộng hưởng từ nhiều yếu tố khác như địa điểm tập luyện, trang thiết bị… mới hy vọng đạt được kết quả tốt” - ông Hạ chia sẻ.
TƯỜNG VY