"Sĩ dân đó, núi sông đây
Muôn năm bền vững nước non này,
Giặc Tây sao dám phạm bờ cõi
Chẳng mấy gươm trời quét sạch bay"
Đó là bài thơ "Thoái lỗi ca" (Bài ca lui giặc) của Đốc học Nam Định Phạm Văn Nghị làm sau ngày liên quân Pháp - Tây Ban Nha phải nhục nhã tháo chạy khỏi đất Quảng sau 19 tháng nổ phát súng đầu tiên ở bán đảo Sơn Trà(Đà Nẵng) vào ngày 1.9.1858. Đây là chiến công rất đỗi tự hào của quân và dân ta và cũng là kết quả của thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc.
Di tích thành Điện Hải. |
Sau khi cùng với Anh, Mỹ buộc triều đình Mãn Thanh ký Hiệp ước Thiên Tân (27.6.1858) liên quân Pháp - Tây Ban Nha từ chiến trường Trung Quốc kéo đến Việt Nam. Chiều ngày 31.8.1858, chúng dàn trận ở cửa biển Đà Nẵng với lực lượng khá đông đảo gồm 16 chiến hạm, 2.350 quân dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Rigault de Genouilly. Hỗ trợ cho giặc còn có Giám mục Pellerin làm cố vấn và hai giáo sĩ thông thạo địa lý, tiếng Việt, chuyên liên lạc với số giám mục trong đất liền.
Sáng ngày 1.9.1858, giặc đã bắn hàng trăm phát đại bác vào đất liền, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta. Âm mưu của địch là nhanh chóng đánh chiếm mục tiêu Đà Nẵng, từ đó uy hiếp triều đình Huế, rồi thôn tính cả Việt Nam.
Ngay từ những ngày đầu khi thực dân Pháp đặt chân đến, đất Quảng đã kiên quyết đứng lên. Nhân dân hăng hái gia nhập dân quân chiến đấu bên cạnh quân đội của triều đình do Tổng thống quân vụ Quảng Nam Lê Đình Lý, sau đó là Nguyễn Tri Phương chỉ huy. Quân và dân ta đã đào hào, đắp lũy kiên cố, thực hiện chủ trương vây chặt địch ở ngoài mé biển, dùng chiến thuật đánh du kích tiêu hao và đẩy lùi các toán quân địch. Thành Điện Hải (nay thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu) là một pháo đài kiên cố để trấn giữ Đà Nẵng. Nhật ký của một sĩ quan Pháp tham chiến trong trận đánh Đà Nẵng, ghi ngày 20.11.1858 đã nói về thành Điện Hải như sau: "Pháo đài phía Tây và các công sự khác được sửa chữa lại khá hoàn hảo. Pháo đài này từng được trang bị đại bác cỡ lớn bằng sắt và bằng đồng. Đại bác bằng đồng được đặt trên giá súng cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với gì tôi thấy ở Trung Hoa. Pháo đài phía Tây gồm một xưởng pháo binh lục chiến, những đại bác bằng đồng cỡ 6 và 9, giá súng đặt trên những bánh xe cao rất phù hợp với đường sá gồ ghề của xứ này... Cách bố trí hào lũy và súng ống nói trên chứng tỏ chính quyền An Nam chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc chiến sẽ phải xảy ra...". Ngoài thành Điện Hải, ta còn có các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Nại Hiên, Thạc Gián, Nghi Xuân, Hóa Khuê, Mỹ Thị. Và đến tháng 11.1859, lập thêm đồn Liên Trì. Từ thành Điện Hải, một lũy đất cao được đắp bao quanh Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián. Bên ngoài lũy có hố chông trên trồng cỏ để ngụy trang, phía sau lũy bố trí quân mai phục. Khi giặc tấn công, chúng vấp phải sức chống cự mãnh liệt bởi súng điểu thương, cung, nỏ, đao kiếm đánh cận chiến. Hố chông trở thành tử địa của quân viễn chinh. Đội quân nghĩa dũng của Phó Vệ úy Phạm Gia Vĩnh đã đánh lui quân giặc khi chúng tấn công vào đồn Thạc Gián. Quân và dân ta đã dùng sọt tre, thùng gỗ chứa đất, đá lấp sông Vĩnh Điện (Điện Bàn) để ngăn tàu chiến, dùng "thảo long" (rồng cỏ) để đốt tàu chiến giặc.
Chiến thuật "vườn không, nhà trống" được thực hiện khá hiệu quả ở các vùng bị địch tạm chiếm. Nhân dân nhanh chóng tản cư không để cho chúng bắt lính, cướp bóc lương thực, không cung cấp tin tức cho giặc. Quân Pháp chỉ làm chủ được những bãi cát nóng bỏng dưới sức thiêu đốt của cái nắng vùng nhiệt đới. Đô đốc Rigault de Genouilly thất vọng, chán chường: “Người ta báo cáo rằng dân chúng sẽ hưởng ứng chúng ta, thật là trái hẳn lại, chúng ta không có được chút thiện cảm nào của người dân”. Ảo mộng về một cuộc nổi dậy hưởng ứng liên quân của các giáo dân như lời hứa của các giáo sĩ Pháp cũng tan thành mây khói. Một sĩ quan Pháp - Savin de Larclause - trong một bức thư gửi về gia đình, đã thú nhận: “Đất mà chúng tôi chiếm được thì hoàn toàn bỏ trống, trừ một vài lều tranh của dân chài”. Giáo sư Trần Văn Giàu viết: “Sau năm tháng giao tranh, liên quân Pháp - Tây Ban Nha chỉ chiếm được một ngọn núi không người và vài làng ven biển không người. Họ không dám tiến sâu... Họ mong chờ một cuộc nổi loạn của nhân dân Nam – Ngãi theo lời hứa hẹn của các giáo sĩ Pháp, mà không thấy. Trong lúc tiến thoái lưỡng nan ấy, thì liên quân bị đau ốm và chết chóc khá nhiều, căn bản không phải vì súng đạn, mà chính vì phong thổ khí hậu. Thức ăn lại rất khó tìm, thuốc men không đủ dùng, thỉnh thoảng bị quân Việt đến tập kích, bắn tỉa”...
Cuộc chiến đấu ở đất Quảng 155 năm trước nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ, giúp sức của đồng bào cả nước. Trên đất Bắc, tiến sĩ Phạm Văn Nghị, Đốc học Nam Định nghe tin Pháp đánh Đà Nẵng đã hăng hái tập hợp 300 "thân biên binh dũng" nhanh chóng vào kinh đô Huế xin vua cho ra trận giết giặc. Ngay cả Uy Viễn tướng công Nguyễn Công Trứ lúc bấy giờ đã 80 tuổi vẫn hăng hái dâng sớ xin vua Tự Đức cho ra cầm quân giết giặc.
Đối phó với sức mạnh tổng hợp và thế trận rộng rãi, nhiều hướng, nhiều mục tiêu, nhiều chiến tuyến khác nhau của ta, giặc buộc phải rải quân ra nhiều nơi. Do đó, lực lượng của chúng bị phân tán, xé nhỏ, không có khả năng tập trung quân để tổ chức các trận đánh lớn. Sau ngày 15.5.1859, mặc dù được viện binh, địch vẫn không sao tiến quân sâu hơn vào nội địa. Chúng cũng không thể tiến quân qua đèo Hải Vân để đánh ra kinh đô Huế. Tháng 12.1860, khi thực dân Pháp xin cầu hòa để thực hiện kế hoãn binh, ta liền thay đổi chiến thuật, chuyển sang "lấy đánh làm giữ" cho đến khi quân Pháp được lệnh rút ra khỏi Đà Nẵng chi viện cho chiến trường Trung Hoa. Đất Quảng đã hoàn thành được nhiệm vụ vinh quang - ngăn chặn bước tiến quân đầu tiên của thực dân Pháp.
107 năm sau trận đầu chống Pháp (1.9.1858), tháng 3.1965, đất Quảng một lần nữa lại vinh dự được cả nước giao cho sứ mệnh lịch sử: “Đánh Mỹ trước tiên bằng 2 chân, 3 mũi giáp công khi chúng vừa đặt chân tới, cung cấp những kinh nghiệm quý báu để toàn miền Nam tự tin, chủ động quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Không phụ lòng tin đó, Chu Lai và Hòa Vang nhanh chóng trở thành những vành đai diệt Mỹ - nơi đầu tiên vùi thây quân viễn chinh đến từ bên kia bờ đại dương, góp phần làm nên truyền thống tám chữ vàng của đất Quảng anh hùng: “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
VÂN TRÌNH