Thế trận lòng dân

Nguyễn Quang Việt 17/04/2013 09:43

(QNO) - Khẳng định tầm quan trọng của việc ra đời và hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính qua đó làm nổi bật ý nghĩa lịch sử và vận dụng những bài học kinh nghiệm vào thực tiễn hiện nay là những nội dung chính của hội thảo khoa học “Căn cứ lõm Bàu Bính - ý nghĩa và bài học kinh nghiệm” được Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ phối hợp với Huyện uỷ Thăng Bình tổ chức vào ngày hôm qua (16.4).

  • Hội thảo khoa học về "Căn cứ lõm Bàu Bính"
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Lập xã Bình Tân (tiếp theo và hết)
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Rút lui chiến thuật
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Quyết tử ở Đồi Dân
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Điểm tựa lòng dân
  • Bàu Bính, căn cứ không rào vi: Thế trận thiên la
Quang cảnh hội thảo.
Quang cảnh hội thảo.

Lấy dân làm gốc

Mở đầu hội thảo, ông Phan Nghĩa, Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình khẳng định, thực tế hoạt động của quân và dân ta trong hai năm 1971-1972 tại căn cứ lõm Bàu Bính (thôn 4, xã Bình Dương, Thăng Bình) là những chặng đường lịch sử gian khổ, hy sinh nhưng lại rất đỗi hào hùng. Bởi vậy, với quan điểm khoa học, rất mong các vị đại biểu thẳng thắn thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến ngõ hầu sáng tỏ những vấn đề mà hội thảo đề xuất. Đó là chủ trương, sự hình thành và hoạt động của căn cứ lõm; vai trò, ý nghĩa của căn cứ đối với phong trào cách mạng vùng đông Thăng Bình nói riêng, Quảng Nam nói chung; các bài học kinh nghiệm từ việc xây dựng và bảo vệ căn cứ lõm phục vụ cho việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới…

Ông Phan Thanh Toán, nguyên Bí thư Huyện uỷ Thăng Bình, người trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của căn cứ lõm vào thời điểm bấy giờ cho biết, thực hiện âm mưu bình định cấp tốc, lấn chiếm vùng giải phóng, cuối năm 1970, sau khi bình định hầu hết các xã vùng đông của huyện Thăng Bình và Duy Xuyên, Mỹ - nguỵ tập trung hoả lực công kích vào xã Bình Dương - điểm duy nhất không có chốt đóng của địch vào thời điểm bấy giờ.

Phân tích đúng tình hình, trong năm 1971, Huyện uỷ Thăng Bình quyết định xây dựng khu vực Bàu Bính thành căn cứ lõm, làm nơi đứng chân của các cơ quan, đội công tác các xã vùng đông, lực lượng vũ trang của huyện và của tỉnh chỉ đạo phong trào chống bình định của địch. Mặc dù là vùng bị địch đánh phá ác liệt nhưng với quan điểm “lấy dân làm gốc” và thực hiện phương châm “ba bám” (đảng bám dân, dân bám đất, du kích bám đánh địch) cùng chiến thuật “hai chân, ba mũi giáp công”, quân dân ta đã đánh thắng các cuộc càn quét của địch, bảo vệ căn cứ. Sau gần 2 năm đẩy lùi các trận tiến công của địch, đến ngày 15.12.1972, để bảo toàn sức mạnh, ta rút lực lượng khỏi căn cứ, sơ tán nhân dân trụ bám lên vùng giải phóng an toàn.

Không chỉ làm thất bại các trận càn quét của địch, trong 2 năm 1971-1972, lực lượng của ta gồm các tiểu đoàn 70, 72, 74 của Tỉnh đội Quảng Nam, đại đội V15 của huyện Thăng Bình, tiểu đoàn R20 Quảng Đà, đại đội 32 Hội An cùng đông đảo cán bộ, nhân dân và du kích vùng đông đã tấn công tiêu diệt nhiều đồn địch. Ông Huỳnh Văn Hạnh, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 72 khẳng định, khi xây dựng căn cứ lõm Bàu Bính, ta đã xác định tính chất của cuộc chiến tranh nhân dân lâu dài nên đã chủ động nhiều mặt: quân sự, chính trị và binh vận. Về quân sự, Bàu Bính là một địa điểm lý tưởng để xây dựng căn cứ lõm bởi nơi đây có nhiều thổ cao che khuất. Điều này thuận lợi cho ta trong việc kết nối với bên ngoài ngược lại gây khó khăn cho địch về địa thế tấn công, tính sát thương của bom đạn. Đồng thời, đây lại là vùng giáp ranh với Duy Xuyên và Hội An nên khiến địch sơ hở trong phòng thủ. Về chính trị, cán bộ, chiến sĩ và dân quân, du kích của ta ở căn cứ rất quật cường, khó khăn không nản chí, bom đạn không làm họ sờn lòng. Về binh vận, ban ngày, lực lượng ta đánh nhau với địch, ban đêm liên hệ với quần chúng ở các khu dồn dân để nắm tình hình, chủ động cả trong đối phó lẫn tấn công kẻ thù. Ông Huỳnh Văn Hạnh khẳng định, những năm tháng ở Bàu Bính đã chứng minh rằng: có dân là có tất cả, mất dân là mất tất cả.

Trong  2 năm hình thành và hoạt động, căn cứ lõm Bàu Bính luôn bị kẻ thù nã bom, bắn pháo ào ạt bởi vậy rất nhiều chiến sĩ, du kích và người dân trọng thương. Công tác y tế ở căn cứ là điều rất cấp thiết. Tại hội thảo, bà Lê Thị Bảy, nguyên Trưởng ban y tế tại căn cứ lõm cho biết, lúc bấy giờ, ranh giới giữa sống và chết của các đồng chí thương, bệnh binh cũng mong manh hệt chỉ mành treo chuông. Người dân bám đất ở đây chính là những người ít ỏi được đào tạo y tế cấp tốc tại căn cứ lõm. Họ đã mưu trí, gan dạ cõng thương, bệnh binh đi ẩn trốn nơi an toàn. Không chỉ vậy, những người dân bình dị này còn chăm sóc, thuốc men, cứu chữa cho những người bị thương rất nhiệt tình, đúng nghiệp vụ.  

Bài học từ nhân dân

Đánh giá về vai trò lãnh đạo của Huyện uỷ Thăng Bình đối với hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính, ông Phan Nghĩa cho rằng, sự sáng suốt, quyết đoán, nhạy bén là biểu hiện rõ nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo của huyện uỷ vào thời điểm bấy giờ. “Trong điều kiện của một xã ven biển bị địch bao vây tứ phía, huyện uỷ vẫn quyết tâm xây dựng căn cứ lõm để tổ chức chiến đấu với quân thù, làm bàn đạp xây dựng phong trào cách mạng cho các xã vùng đông của huyện và liên kết mở rộng cách mạng ra các huyện láng giềng là một quyết định hết sức quyết đoán. Thực tế cũng cho thấy, căn cứ lõm được xây dựng trong thế cài răng lược. Bởi vậy, dù cho địch càn quét, bình định gắt gao nhưng thế trận nơi đây vẫn vững vàng, sự lãnh đạo vẫn thông suốt. Căn cứ lõm là địa bàn đứng chân hoạt động của lực lượng cách mạng ở ngay trong vùng địch kiểm soát”, ông Phan Nghĩa nói.

Ông Phan Thanh Toán tại căn cứ lõm Bàu Bính vào thời điểm hiện nay.
Ông Phan Thanh Toán tại căn cứ lõm Bàu Bính vào thời điểm hiện nay.

Cũng theo ông Phan Nghĩa, trong thời gian này, Huyện uỷ Thăng Bình luôn tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ Quảng Nam và sự phối hợp của nhiều đơn vị của tỉnh đội, các đơn vị lân cận. Huyện uỷ Thăng Bình luôn quán triệt quan điểm dựa chắc vào dân, phát huy sức mạnh của nhân dân để xây dựng căn cứ lõm và hậu phương của cách mạng. Điều này được thể hiện rất nhuần nhị, xuyên suốt và quán xuyến mọi hoạt động ở đây. Bởi vậy, từ thực tiễn hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính, cần rút ra một số kinh nghiệm lịch sử. “Sự nghiệp cách mạng là của dân, phải dựa vào dân, lấy nhân dân làm nòng cốt, thực hiện cho bằng được phương châm “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra”, đặc biệt là cần xây dựng thế trận chiến tranh  nhân dân, thế trận lòng dân, xây dựng làng xã chiến đấu trong giai đoạn hiện nay”, ông Phan Nghĩa nói.

Kết luận hội thảo, tiến sĩ Ngô Văn Hùng - Uỷ viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đánh giá, gần 40 tham luận tham gia hội thảo cùng nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, các nhân chứng và nhiều cơ quan đã khái quát rõ nét, toàn diện nhiều vấn đề mà hội thảo đã đề dẫn. “Mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn là hai năm nhưng sự hình thành và hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính có ý nghĩa rất to lớn trong một giai đoạn lịch sử nhất định của dân tộc. Căn cứ lõm Bàu Bính đã là bàn đạp tiến công kẻ thù ở nhiều mặt trận, đưa phong trào cách mạng phát triển rộng khắp. Hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính đã góp phần làm thất bại chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Mỹ - nguỵ tiến đến ngày thống nhất đất nước. Điều có ý nghĩa nhất là qua các cuộc chiến đấu cam go, dù ta bị mất đất, mất dân vào một số thời điểm nhưng vẫn giữ được lòng dân. Hoạt động của căn cứ đã minh chứng sinh động cho nghệ thuật chiến tranh nhân dân”, TS. Ngô Văn Hùng nói.

Từ những ý nghĩa đó, tiến sĩ Ngô Văn Hùng nhấn mạnh, hoạt động của căn cứ lõm Bàu Bính đã cho thấy nhiều bài học về cách tổ chức, về dựa vào địa thế, dựa vào nhân dân, về phương châm tác chiến phù hợp, hiệu quả, về yếu tố bất ngờ, tạo lợi thế với kẻ thù, về liên kết, phối hợp với các địa bàn trọng yếu xung quanh. Những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng hiện nay vì thế cần phát huy trong thực tiễn, bám sát vào nhân dân, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm. Các tư liệu lịch sử  được tập hợp còn có ý nghĩa trong rèn luyện thế hệ trẻ ngày nay.   

Nguyễn Quang Việt

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thế trận lòng dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO