Những ngày qua, báo chí tường thuật khá đầy đủ không khí nghị trường Quốc hội, nơi mà những lời tuyên thệ vang lên, lần lượt từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước đến Thủ tướng Chính phủ. Nội dung các lời thề “trung thành với Tổ quốc, nhân dân...”, và cả hình thức tuyên thệ cơ bản không phải là điều gì mới mẻ, nhưng vì lâu rồi mới thấy lại nên đây là hình ảnh biểu tượng gợi lên cảm hứng có sức khích lệ, thu hút nhân tâm. Vì rằng, những ai hiểu biết lịch sử đều nhớ là dân tộc ta đã có truyền thống với các hội thề, lời thề bất hủ. Từ Hai Bà Trưng đã có lời thề “một xin rửa nhục quốc thù”; Hội nghị Diên Hồng thời Trần với lời thề “sát Thát”; Hội thề Lũng Nhai của nghĩa quân Lam Sơn, cho đến lời tuyên thệ thay mặt cho Chính phủ kháng chiến Việt Nam Dân chủ cộng hòa của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thề, không chỉ là hành động chỉ có ở các vị lãnh tụ, thủ lĩnh, quan chức. Thề, cũng là chuyện thường thấy trong đời sống người bình dân, dân gian. Thề yêu nhau (yêu nhau mấy núi cũng trèo/mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua). Khi cưới, thề kết tóc xe tơ đến răng long đầu bạc, dẫu có chết thì “hồn còn mang nặng lời thề/nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai” (Truyện Kiều). Việc tốt như kết nghĩa anh em bằng hữu thì thề. Việc sai quấy bị bắt lỗi cũng bắt thề không tái phạm...
Nội dung lời thề thường phụ thuộc vào vị thế của người thề. Tầm vóc của lời thề có khi cao vời vợi như “thề non nước”, lúc bình dị chân chất với ý nghĩa đời thường. Sắc thái biểu cảm của lời thề cũng phụ thuộc vào không gian thề, thề ở đâu, với ai. Dân gian thường đến đền miếu thiêng để thề. Các vị vua chúa, thủ lĩnh của cả đoàn quân lớn thường lập đàn tế trời và thề. Thề với trời đất, hồn thiêng sông núi, thề với thần linh, thề trước quân binh tướng sĩ của mình và thề với nhân dân. Các vị đứng đầu quốc gia thường thề trung thành với lợi ích của nước, của dân (“dân là con trời cả”). Có lời thề trang trọng, ngôn từ thanh cao. Có lời thề lại rất “độc” nghe kinh hồn bạt vía, sắc thái ngữ nghĩa dữ dội. Như nhiều tư liệu cho biết ở nước ta hiện còn duy trì lễ hội Minh thề tại Kiến Thụy (Hải Phòng). Hội Minh thề có từ năm 1561, thời nhà Mạc, nay lời thề còn nội dung khá ý nghĩa và quyết liệt: “Ai dùng của công làm việc công xin thần linh ủng hộ. Ai lấy của công về làm của tư, xin thần linh đả tử. Làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt”...
Không có tầm vóc trang trọng “dữ dội” như việc thề, lời hứa có thể nghe thấy ở mọi lúc mọi nơi. Hứa cho, hứa làm, hứa giải quyết việc gì, hứa đáp ứng yêu cầu nguyện vọng... muôn ngàn kiểu hứa hẹn đều có thể diễn ra từ công sở đến chợ búa, quán xá. Dường như, hứa dễ hơn thề, nên biên độ rộng hơn. Và dĩ nhiên hứa cũng có thể là một nội dung trong lời thề khi nâng cấp độ cam kết, xác lập niềm tin cao hơn (vì vậy hứa chưa tin mà phải thề mới tin).
Thề và hứa để làm gì? Để gieo mầm hy vọng, hiệu triệu nhân tâm, tạo sức mạnh tinh thần... Nói chung là nhiều mục đích, mục tiêu, nhưng cơ bản nhất là để làm người khác tin theo mình. Khi nghe thề hứa, người ta chưa thể kiểm chứng kết quả nhưng có thể tin vào “cam kết thực hiện đúng hợp đồng” nếu mình xác lập được uy tín, tỏ rõ trách nhiệm, sự quan tâm đến nguyện vọng của họ. Theo dõi các kỳ tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội, thấy có nhiều lời hứa. Hay như dịp chuẩn bị cuộc bầu cử lần này, việc các ứng cử viên trình bày chương trình hành động cũng là cách đưa ra lời hứa, cam kết thực thi khi được trúng cử.
Thề hay hứa, dù ban đầu mang tính biểu tượng, nhưng về sau có thể kiểm chứng kết quả thực hiện. Nội dung lời thề, lời hứa càng định lượng được và có thời hạn thực hiện thì càng dễ minh bạch kết quả. Như rồi đây có thể kiểm chứng lời hứa của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát có thực thi được không, rằng “từ giờ đến cuối năm, chúng tôi cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thuốc bảo vệ thực phẩm qua biên giới”.
Thực hiện đúng như lời thề, lời hứa sẽ giúp cho người thề, người hứa tăng thêm uy tín, sự tin cậy và được kính trọng, tôn vinh.
NGUYỄN ĐIỆN NAM