"Thẻ vàng" hải sản: Cơ hội tái cơ cấu nghề cá

NGUYỄN QUANG VIỆT 14/11/2017 12:33

Ủy ban châu Âu (EU) rút “thẻ vàng” đối với hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam đã tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản Việt Nam sớm đánh giá thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Quảng Nam cần thực hiện tốt chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản, góp phần cùng cả nước đáp ứng yêu cầu mà EU đặt ra.Ảnh: N.Q.V
Quảng Nam cần thực hiện tốt chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản, góp phần cùng cả nước đáp ứng yêu cầu mà EU đặt ra.Ảnh: N.Q.V

Nghề cá Quảng Nam vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún nên việc hoàn thiện cơ chế quản lý, giám sát, hỗ trợ ngư dân... là vấn đề đặt ra cấp thiết sau khi EU giơ “thẻ vàng”. Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, thời gian tới sẽ áp dụng công nghệ số, viễn thám, sử dụng vệ tinh để theo dõi, quản lý nguồn lợi và đội tàu khai thác hải sản của tỉnh. Công tác nghiên cứu, ứng dụng phương pháp đánh bắt mới, ngư cụ hiện đại, thiết bị khai thác hải sản tiên tiến, công nghệ bảo quản hải sản bằng vật liệu PU sẽ được triển khai đồng bộ, qua đó đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đặt ra của hội nhập quốc tế.

Hoàn thiện cơ chế

Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sẽ đẩy mạnh triển khai các cơ chế, chính sách của Trung ương, tỉnh như Nghị định 67 và Quỹ hỗ trợ ngư dân Quảng Nam để khuyến khích ngư dân đầu tư đóng mới, cải hoán nâng cấp tàu cá công suất lớn đánh bắt hải sản tại các ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa đối với một số nghề nổi bật. Đó là các nghề câu mực khơi, lưới vây, chụp mực vì có hiệu quả kinh tế cao lại thân thiện với sinh thái, môi trường theo khuyến cáo của EU.

Theo Sở NN&PTNT, về cơ chế đối với nhân lực, Quảng Nam khuyến khích đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật chuyên ngành có trình độ cao, đồng thời bố trí đủ nguồn kinh phí cho công tác khuyến ngư để tập huấn kỹ thuật, trang bị các kiến thức mới, bổ trợ ngư dân sản xuất hiệu quả hơn. Về thị trường và xúc tiến thương mại, toàn tỉnh sẽ đổi mới tư duy từ sản xuất theo khả năng sang sản xuất theo nhu cầu thị trường. Hệ thống thông tin, dự báo tiêu chuẩn chất lượng, phân tích thị trường xuất khẩu luôn được cập nhật. Theo đó, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu cho từng chủng loại sản phẩm hải sản và từng thị trường cụ thể; tạo mối liên hệ chặt chẽ giữa thương vụ và doanh nghiệp ngoài nước. Phần thương mại hải sản sẽ thay đổi hệ thống tiếp thị để nỗ lực đưa sản phẩm vào thị trường ngoài nước với giá tốt nhất, ổn định nhất. Cùng với đó, coi trọng yếu tố marketing, góp phần tiêu thụ các sản phẩm hải sản ở nhiều thị trường xuất khẩu khác nhau, tìm thêm đối tác mới, không phụ thuộc vào EU hay thị trường cố định nào.  

Tăng cường giám sát

Giơ “thẻ đỏ” nếu các cảnh báo không được triển khai hiệu quả

Tháng 5.2017, đoàn công tác của EU đến Việt Nam kiểm tra hoạt động tuân thủ các quy định trong khai thác hải sản. EU khuyến nghị Việt Nam phải hoàn thiện 5 điểm với thời gian hoàn thành là ngày 30.9.2017, gồm cơ chế quản lý nghề cá; quản lý đội tàu khai thác hải sản phù hợp với nguồn lợi; hoàn thiện hệ thống kiểm tra giám sát tàu cá trên biển và tại cảng; xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản; ngăn chặn, chấm dứt tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Hết hạn, qua kiểm tra, EU cho rằng, Việt Nam vẫn còn một số nội dung phải tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt, tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài còn nhiều. Ngày 23.10, EU chính thức tuyên bố rút “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản của Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết, thời gian cảnh báo “thẻ vàng” của EU là 6 tháng. Sau thời gian trên, có 3 khả năng xảy ra. Nếu Việt Nam triển khai đầy đủ các quy định, EU có thể dỡ bỏ “thẻ vàng”. Nếu việc triển khai các quy định của EU có tiến bộ, Việt Nam có thể được gia hạn thời gian để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Tuy nhiên, trong trường hợp các cảnh báo không được triển khai hiệu quả, EU sẽ giơ “thẻ đỏ”, lúc đó, hàng hải sản xuất khẩu của Việt Nam không còn đường vào thị trường này. Bộ NN&PTNT ra “tối hậu thư” cho các tỉnh, thành phố có nghề cá phải xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nghề cá; giám sát tàu cá; chấm dứt khai thác hải sản trái phép tại vùng biển nước ngoài; chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản.

Thuận lợi trong kế hoạch quản lý nghề cá của tỉnh theo yêu cầu của Bộ NN&PTNT là thời gian qua, Quảng Nam không có tình trạng tàu cá khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng, cần chủ động phòng chống vẫn hơn là để xảy ra sự cố tàu cá bị nước ngoài bắt giữ rồi mới loay hoay tìm cách xử lý. Vậy nên, công tác phổ biến ranh giới các vùng biển của nước ta với nước ngoài phải được các ngành thủy sản, biên phòng, cảnh sát biển, các địa phương có nghề cá chung tay thực hiện. Công tác tuyên truyền phải được các cơ quan truyền thông, các ngành, các cấp triển khai mạnh, đồng bộ, rộng khắp để ngư dân thấy rõ xâm phạm vùng biển nước khác để khai thác hải sản sẽ gây nên những hậu quả nghiêm trọng mà chuyển biến ý thức. UBND tỉnh yêu cầu Sở NN&PTNT tham mưu tỉnh chú trọng cơ chế hỗ trợ chủ tàu cá trang bị đầy đủ các trang thiết bị hàng hải, thông tin liên lạc hiện đại, công nghệ cao để đảm bảo an toàn, tăng hiệu quả sản xuất, dễ giám sát từ bờ, qua đó quản lý tàu cá tốt hơn.

Ông Ngô Tấn cho rằng, Trung ương đã ban hành cơ chế hỗ trợ chi phí để ngư dân lắp đặt hệ thống liên lạc có đính kèm thiết bị định vị vệ tinh GPS và máy liên lạc Movimar. Việc này được triển khai tương đối thông suốt trong thời gian qua. Khi sản xuất trên các vùng biển xa, để nhận hỗ trợ dầu (tối đa là 400 triệu đồng/năm), ngư dân bắt buộc phải nhắn 7 tin nhắn về trạm bờ trong quãng ít nhất là 15 ngày khai thác hải sản thì mới đủ điều kiện. Qua các tin nhắn, ngành chức năng định vị được tọa độ tàu cá trên biển nên rất tiện trong giám sát, quản lý. Ngoài ra, khi ra khơi, ngư dân bắt buộc phải thực hiện xong thủ tục xuất cảng với lực lượng biên phòng qua 2 cửa An Hòa (Núi Thành) và Cửa Đại (TP.Hội An) nên việc kiểm tra, giám sát tàu cá trên biển và tại cảng cũng như xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu hải sản theo quy định của EU sẽ thuận lợi.

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, để triển khai tốt yêu cầu của Bộ NN&PTNT, ngành sẽ kiện toàn hệ thống thông tin liên lạc giữa tàu và bờ. Thời gian đến, sẽ điều tra, đánh giá kỹ tiềm năng hải sản làm cơ sở cho việc quản lý đội tàu khai thác hải sản phù hợp với nguồn lợi - nội dung quan trọng trong 5 khuyến nghị của EU. Ngoài ra, áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU và quốc tế về nghề cá vào thực tế sản xuất của ngư dân, qua đó quản lý ngành nghề khai thác hải sản khoa học, bài bản hơn.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Thẻ vàng" hải sản: Cơ hội tái cơ cấu nghề cá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO