Hôm qua đi ăn giỗ ở nhà người bà con ở phố. Nhà neo người nên dù chỉ 4 mâm, bác ấy vẫn kêu thợ nấu. Thợ là dịch vụ chuyên nấu ăn phục vụ đám tiệc. Nghe đâu có cả một làng chuyên làm nghề này và khá giả hơn hẳn so với sản xuất nông nghiệp.
Một bữa giỗ nhà nấu ở Điện Thắng Bắc (Điện Bàn, Quảng Nam). Ảnh: HỒNG VÂN |
Khỏi phải nói ích lợi của việc gọi dịch vụ nấu ăn. Chỉ với 80.000 đồng/suất trở lên là đã có một mâm tiệc thịnh soạn, ít nhất là 5 món. Thợ nấu lo toàn bộ từ chén bát, ly tách, dọn dẹp trước và sau tiệc. Bà con đến ăn cỗ kể cả con cháu thân cận chỉ kéo ghế ngồi nói chuyện, không phải làm bất cứ thứ gì. Trước đám không phải đi chợ. Ăn xong không phải rửa chén, kỳ cọ xoong nồi, sắp xếp vào kệ hay kho. Vì thế mà dịch vụ này ngày càng phát triển và được ưa chuộng. Tên tuổi các dịch vụ nấu ăn được các mẹ chị hỏi thăm nhau sau khi đến ăn nhà ai đó. Cho nên không có gì lạ, khi trong một tuần đi đám tiệc của người quen, bảo đảm sẽ ăn trùng món đến 80%. Chẳng hạn trước đó 3 ngày, ở nhà người chị, cũng có xôi chiên bọc lòng gà, súp, gà luộc, tôm rang sả, cari bánh mì v.v. thì hôm nay ở nhà bác cũng những món y chang. Thịt cá thì nhiều mà rau thì ít. Đó là chưa kể đi đâu cũng thấy một loại vật liệu nhựa Đài Loan, tô tròn, dĩa hạt xoài, hoa đỏ trên viền, đũa tre bọc giấy, đều nhau chằn chặn, nhìn đã thấy ngán.
Có một điều ai cũng thừa nhận đó là đám giỗ kêu dịch vụ không thể nào ngon và ý nghĩa như nhà tự nấu. Hàng năm mỗi khi đến ngày giỗ ông bà, cha mẹ thì bao giờ cũng vậy, con cái lại đến nhà anh chị trưởng bàn bạc, cùng nhau lên thực đơn, người nấu món này, người lãnh món kia. Con cháu đến sớm, cắt gọt, gói, chặt, ai cũng có công việc, luôn tay chân, vừa làm vừa ríu ran hỏi han chuyện nhà cửa. Thực đơn thì phong phú, đa dạng, có khi lên tới cả chục món. Các đĩa be bé phát huy tối đa. Các món xào được dịp lên ngôi. Có khi chỉ chừng đó nguyên liệu mà các mẹ, chị chế biến không biết bao nhiêu món. Nào củ hành tươi xào thịt; cà rốt, khoai tây, su su, nấm xào với bò; củ hành, miếng trứng, con tôm, cọng ngò, rau húng thành món tam hữu; chuối chát um với xương; miến nấu lòng gà; sườn non kho ngọt rắc mè… Đó là món phụ. Món chính bao giờ cũng có mì trộn, canh khổ qua nhồi thịt, mấy dĩa thịt heo cuốn rau sống, vài lát cá chiên. Có khi đã đầy ắp, hàng xóm đi ăn giỗ mang sang hai chục trứng vịt hay đòn chả, lại tiếp tục chế biến bằng hết. Mâm giỗ nóng hổi, đủ màu sắc, chén, dĩa sành, sứ đủ cỡ sinh động chen nhau để có vị trí trên bàn. Khách nhìn đã thấy bắt mắt, muốn thưởng thức mỗi thứ một tí để biết năng lực ẩm thực của chủ nhà. Con cháu sau khi vất vả ngồi vào mâm nhìn thành quả của mình cứ muốn ăn bằng hết.
Cuộc sống đô thị hóa đang khiến con người lười biếng dần. Tính gắn kết gia đình, họ hàng, làng xóm cũng lỏng lẻo hơn. Thèm lắm những lần đi ăn giỗ tự người thân vào bếp…
HỒNG VÂN