Hội thảo quốc tế “Q-Imaging: những tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh trong tim mạch” vừa tổ chức tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương (BVĐKTW) Quảng Nam đã mở thêm cơ hội điều trị hiệu quả cho bệnh nhân tim mạch.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Lê Phương Thảo |
Nhiều phương pháp mới
Tại hội thảo, nhiều giáo sư và chuyên gia đầu ngành về các phương tiện chẩn đoán hình ảnh dành cho tim mạch can thiệp trong nước và quốc tế đã chia sẻ những nghiên cứu mới, thảo luận về những tiến bộ mới trong lĩnh vực này, như siêu âm nội mạch (còn gọi là siêu âm trong lòng mạch - IVUS), chụp cắt lớp quang học (OCT), CT tim, MRI tim... “Từ đây, việc điều trị bệnh lý tim mạch có nhiều thuận lợi nhờ ứng dụng những tiến bộ mới nhất trong chẩn đoán hình ảnh” - tiến sĩ Đinh Đạo, Giám đốc BVĐKTW Quảng Nam khẳng định.
Điểm đặc biệt của hội thảo là bên cạnh báo cáo, các chuyên gia tim mạch trực tiếp thực hành và hướng dẫn thực hành IVUS cũng như các kỹ thuật khác trong điều trị bệnh mạch vành và can thiệp tim bẩm sinh cho các bệnh nhân đang điều trị tại BVĐKTW Quảng Nam. Theo thạc sĩ Phan Tấn Quang - Trưởng khoa Cấp cứu - Can thiệp Tim mạch (BVĐKTW Quảng Nam), IVUS là kỹ thuật tiên tiến, giúp chẩn đoán và can thiệp bệnh động mạch vành tốt hơn, tạo cơ hội điều trị hiệu quả hơn cho bệnh nhân tim mạch. Việc chẩn đoán bệnh chính xác hơn sẽ giúp cán bộ y tế chỉ định phương pháp điều trị phù hợp với người bệnh và giảm chi phí điều trị, phòng ngừa các biến chứng cũng như giảm tỷ lệ tỷ vong cho bệnh nhân…
Người bệnh hưởng lợi
Trong hai ngày 15 và 16.2, tại BVĐKTW Quảng Nam đã diễn ra hội thảo quốc tế “Q-Imaging: những tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh trong tim mạch” lần thứ nhất, do BVĐKTW Quảng Nam phối hợp Hội Chẩn đoán hình ảnh trong tim mạch Hàn Quốc và Phân hội Tim mạch can thiệp Việt Nam tổ chức, với sự tham gia của các giáo sư, chuyên gia và bác sĩ đến từ các bệnh viện Hàn Quốc và Việt Nam. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh dự hội thảo. Tại hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo 4 chuyên đề: “Nguyên tắc cơ bản và ứng dụng lâm sàng của siêu âm trong lòng mạch IVUS”; “Những phương tiện hình ảnh xâm lấn hỗ trợ trong can thiệp vành”; “Sử dụng IVUS trong can thiệp mạch vành”; “Các phương tiện hình ảnh hỗ trợ trong tim mạch”. Hội thảo cũng tổ chức truyền hình trực tiếp về sử dụng IVUS trong can thiệp mạch vành, thực hành can thiệp bệnh tim bẩm sinh tại phòng can thiệp BVĐKTW Quảng Nam và tặng quà cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị tại bệnh viện. |
Nhiều bệnh nhân tim mạch may mắn được các chuyên gia can thiệp trực tiếp thăm khám, chẩn đoán, xử trí, định hướng điều trị trong 2 ngày diễn ra hội thảo. Trong đó, trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị N. (76 tuổi, ở xã Điện Hồng, thị xã Điện Bàn) được xem là ca bệnh khó và phức tạp. Bà N., có tiền sử cao huyết áp lâu năm, nhập BVĐKTW Quảng Nam ngày 12.2 khi liên tục đau thắt ngực và được chỉ định chụp động mạch vành. Các bác sĩ phát hiện bà N. bị hẹp động mạch vành trái đến 90%, mức độ phức tạp và được chỉ định đặt stent động mạch. Lần đầu tiên bệnh nhân được sử dụng IVUS để đánh giá mức độ tổn thương và lựa chọn phương pháp can thiệp tối ưu dưới sự hướng dẫn của các giáo sư y khoa đến từ Hàn Quốc và trong nước. Sau can thiệp, động mạch vành trái của bệnh nhân gần như trở lại bình thường. Chị Phạm Thị A., con gái bà N., chia sẻ, mẹ chị rất may mắn khi được các chuyên gia tim mạch nổi tiếng can thiệp nên đã nhanh chóng hồi phục chỉ sau chưa đầy 1 ngày đặt stent và với chi phí thấp (gia đình bà N. mới chỉ tạm ứng 700 nghìn đồng tính từ ngày nhập viện; trong khi các trường hợp tương tự, người bệnh cùng chi trả bảo hiểm y tế lên đến vài chục triệu đồng).
Giáo sư Kim Sang Wook - Chủ tịch Hội Chẩn đoán hình ảnh trong tim mạch Hàn Quốc, cho rằng với việc ứng dụng các tiến bộ trong can thiệp tim mạch, trong đó có sử dụng IVUS, đã mở ra hy vọng can thiệp tim mạch cho bệnh nhân. “IVUS là phương tiện hình ảnh đáng tin cậy; được thiết lập để đánh giá tổn thương mạch vành với độ nhạy và đạt hiệu quả cao. Phân tích hình ảnh IVUS để đánh giá tổn thương mạch vành rất quan trọng. IVUS có thể cho thấy bệnh học hội chứng vành cấp, đường kính lòng mạch, vùng đặt stent, chiều dài tổn thương, và đặc biệt tránh biến chứng khi can thiệp vành” - lời Giáo sư Kim Sang Wook.
Trong khi đó, liên quan đến việc chụp CT đối với bệnh nhân mạch vành mạn tính, thạc sĩ Phạm Công Nam (Khoa Cấp cứu - Can thiệp tim mạch, BVĐKTW Quảng Nam) cho rằng, việc chụp CT tim giúp tăng hiệu quả và an toàn của can thiệp và tổn thương mạch vành mạn tính. “So với chụp mạch vành, CT tốt hơn về đánh giá đường đi của mạch máu, sự xoắn vặn, vôi hóa và có thể dùng để cải thiện kết quả can thiệp của tổn thương mạch vành mạn tính” - bác sĩ Nam cho biết thêm. Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng với những tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh trong tim mạch, thì việc chẩn đoán nhanh, chính xác sẽ giúp bác sĩ và người nhà bệnh nhân tiết kiệm được thời gian, giúp ích rất nhiều cho việc điều trị bệnh lý tim mạch.
CHÂU NỮ