Gần một năm, Tổ chức Medipeace cùng các tổ chức xã hội tại Hàn Quốc đã tiếp cận và hỗ trợ trẻ em khuyết tật một số địa phương của Quảng Nam. Cơ hội hòa nhập cộng đồng từng ngày một mở ra với các em...
Quảng Nam hiện có 5.705 trẻ khuyết tật. Phần lớn cuộc sống của trẻ khuyết tật gặp nhiều khó khăn, rất thiếu cơ hội phát triển bình đẳng như những trẻ em bình thường khác.
Xuất phát từ thực tế này, từ tháng 2.2021 đến tháng 12.2021, trong năm đầu của dự án, Tổ chức Medipeace, Quỹ phát triển châu Á và Bệnh viện Trường Đại học Chonbuk Hàn Quốc đã tài trợ thành lập và nâng cấp 3 phòng phục hồi chức năng từ trạm y tế xã tại xã Tam Quang (Núi Thành), Bình Lâm (Hiệp Đức), xã Tiên Thọ (Tiên Phước) với hệ thống trang thiết bị trị liệu hiện đại.
Các phòng phục hồi chức năng này kể từ khi đi vào hoạt động đã trở thành điểm đến mang tên “hy vọng” cho gần hàng trăm trẻ em khuyết tật và cũng là chỗ dựa tinh thần vững chắc, nơi các bậc phụ huynh có con em bị khuyết tật gửi gắm sự kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn cho các con.
Giáo dục đặc biệt
Không biết các kỹ năng thiết yếu của một đứa trẻ đúng lứa tuổi, bé Bùi Ngọc T. (học lớp 3, Trường Tiểu học Phạm Văn Đồng, huyện Núi Thành) được cha mẹ gửi đến phòng phục hồi chức năng đặt tại Trạm Y tế xã Tam Quang.
Sau khi tham gia chương trình giáo dục đặc biệt cùng sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của các giáo viên đến từ Tổ chức Medipeace, chỉ trong khoảng thời gian ngắn, em T. tiến bộ rất nhanh. Không chỉ có thể tự mình thực hiện các kỹ năng sinh hoạt, em còn làm được các phép tính đếm, cộng trừ cơ bản.
Cô giáo Bùi Thị Phương Lan - chuyên viên giáo dục đặc biệt của Tổ chức Medipeace tại Núi Thành chia sẻ, một tuần 3 buổi, mỗi buổi hơn 1 tiếng đồng hồ, các em sẽ được chuyên viên âm ngữ trị liệu, kỹ thuật viên phục hồi chức năng can thiệp để cải thiện chức năng vận động, khả năng tập trung trong học tập.
“Cô giáo và chuyên viên âm ngữ trị liệu rèn luyện các kỹ năng về nói, đọc, viết để cải thiện hơn trong giao tiếp và học tập. Những kỹ năng này sẽ là hành trang đồng hành cần thiết của các em trong tương lai” - cô Bùi Thị Phương Lan chia sẻ.
Cùng với phòng phục hồi chức năng tại Núi Thành, lần lượt 2 địa phương là Hiệp Đức và Tiên Phước cũng triển khai hoạt động này từ sự viện trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc, Tổ chức Medipeace, Quỹ phát triển châu Á và Bệnh viện Trường Đại học Chonbuk Hàn Quốc tài trợ.
Thông qua Tổ chức Medipeace, tổng kinh phí cho các dự án tại 3 địa phương này hơn 33 tỷ đồng. Dự án bước đầu đã thổi luồng sinh khí mới, giúp trẻ em khuyết tật tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh tiếp cận được các dịch vụ phúc lợi xã hội tiên tiến, từ đó giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của trẻ khuyết tật một cách toàn diện và bền vững.
Hỗ trợ mọi mặt
Ngoài tiếp cận với trẻ khuyết tật, hỗ trợ cha mẹ trẻ đồng hành với sự phát triển của các em được hướng tới, các đợt tập huấn dành cho phụ huynh cũng được triển khai. Bao gồm 3 chủ đề: hoạt động sinh hoạt hàng ngày cho trẻ bại não, các mốc phát triển giao tiếp điển hình của trẻ và phát triển giao tiếp, ngôn ngữ trong sinh hoạt hàng ngày.
Nội dung truyền tải thông tin khoa học, dựa trên các dẫn chứng đã được đúc kết từ các nghiên cứu về hỗ trợ trẻ khuyết tật trong giao tiếp, sinh hoạt... đã cung cấp công cụ hữu dụng trong hành trang đồng hành của ba mẹ cùng các con.
Trong năm 2021, gần 200 trẻ khuyết tật ở các địa phương Núi Thành, Hiệp Đức, Tiên Phước, Tam Kỳ với các bệnh lý chậm phát triển, khèo chân, tự kỷ, bại não được đoàn bác sĩ chuyên gia của dự án khám và đưa ra các chuẩn đoán sớm. Từ đây, tổ chức này có sự tư vấn cũng như định hướng điều trị, can thiệp kịp thời để các em cải thiện chức năng vận động.
Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, Tổ chức Medipeace đã cùng địa phương đồng hành với trẻ khuyết tật phục hồi chức năng toàn diện. Hơn 725 lượt điều trị về âm ngữ trị liệu, vật lý trị liệu, giáo dục đặc biệt, hỗ trợ điều trị cải thiện vận động cho các em khuyết tật... được tổ chức trong năm qua.
“Ngày càng có nhiều trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh tiếp cận được phương pháp phục hồi chức năng, nhận thức và sự tham gia của gia đình, cộng đồng về trẻ khuyết tật dần được nâng lên. Các dịch vụ về phục hồi chức năng, giáo dục, phúc lợi xã hội cho trẻ khuyết tật từng bước được cài thiện…” - ông Mai Văn Mười nói.
Ở các giai đoạn tiếp theo, dự án “Đồng hành với trẻ khuyết tật” tiếp tục triển khai nhiều hoạt động đa dạng, từ việc thành lập thêm 6 phòng phục hồi chức năng mới cho đến hỗ trợ cải thiện nhà ở, điều kiện sinh hoạt cho 40 hộ gia đình có trẻ khuyết tật, hỗ trợ trang thiết bị phục hồi chức năng cho các khoa, phòng ở bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện. Một hệ thống phúc lợi toàn diện cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh đang được kỳ vọng sẽ hình thành...