Thêm động lực bám biển

NGUYỄN QUANG VIỆT 27/08/2015 09:19

Ngư dân trên địa bàn tỉnh có thêm động lực bám biển nhờ gần đây giá dầu giảm cộng với chính sách hỗ trợ nhiên liệu của Chính phủ.

Ngư dân Cao Viết Nứ chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.Q.V
Ngư dân Cao Viết Nứ chuẩn bị ra khơi. Ảnh: N.Q.V

Giảm chi phí chuyến biển

Vừa cập bờ bán xong hải sản, ngư dân Cao Viết Nứ (thôn Lộc Đông, xã Tam Tiến, Núi Thành) liền tranh thủ thời gian, thu mua các nhu yếu phẩm chuẩn bị vươn khơi. “Giá dầu mấy ngày qua đã giảm được 410 đồng/lít đã giúp ngư dân ổn định sản xuất. Ngư dân chúng tôi rất ham bám biển, chỉ sợ thua lỗ mỗi khi ra khơi trở về” - ông Nứ nói. Ngư dân Cao Viết Nứ là chủ tàu cá QNa-00699 có công suất 90CV theo nghề giã cào. Theo ông Nứ, giã cào luôn đứng đầu trong số các nghề tiêu tốn nhiều nhiên liệu. Khác với các phương tiện đứng yên khi kéo lưới thì tàu cá theo nghề này phải di chuyển, kéo theo 1 hoặc 2 giã cào quăng quật trên biển khi sản xuất. Với cách hoạt động như vậy, tàu cá của ông Nứ tiêu tốn khoảng 100 lít dầu sau mỗi đêm đánh bắt hải sản. “Tính ra, mỗi tháng chúng tôi giảm chi phí được khoảng 3 triệu đồng. Số tiền này không quá lớn nhưng tính gộp từ đầu năm đến chừ, giá dầu giảm đến 11 lần, tổng cộng chúng tôi tiết kiệm được khoảng 30 triệu đồng” - ông Nứ cho biết.

Ngư dân theo các nghề khai thác xa bờ cũng tiết kiệm được khoản tiền sau mỗi chuyến biển. Ông Huỳnh Minh Cảnh (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) là chủ của đội tàu gần 10 chiếc, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa quanh năm. Ông Cảnh tính toán, trước đây, mỗi chuyến biển xa bờ của 1 tàu cá trong thời gian khoảng 20 ngày phải tốn đến ít nhất là 80 triệu đồng tiền nhiên liệu. Khi giá dầu giảm thấp 410 đồng/lít, ngư dân tiết kiệm được khoảng 2,5 triệu đồng sau mỗi chuyến biển. Nhưng tính từ đầu năm, giá dầu là 23.090 đồng/lít nay chỉ còn 13.420 đồng/lít, ngư dân đã tiết kiệm được một khoản không nhỏ. “Giá cá nục chuối cỡ lớn chỉ còn bán được khoảng 20 nghìn đồng/kg, chỉ bằng một nửa so với trước đây chừng 1 tháng. Trong điều kiện đầu ra hải sản bị hạ thấp một nửa thì giá dầu giảm xuống cũng phần nào giúp ngư dân đỡ vất vả” - ông Cảnh nói.   

“Ngành thủy sản Quảng Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, xét duyệt và tham mưu UBND tỉnh giải ngân tiền hỗ trợ nhiên liệu, giúp ngư dân giảm chi phí sản xuất. Các hồ sơ sẽ được xét duyệt công tâm từ đây đến cuối năm để tiếp tục tiếp sức ngư dân yên tâm sản xuất trên các vùng biển xa của Tổ quốc”.
(Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

Rất nhiều tàu khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam hoạt động kém hiệu quả trong thời gian qua là do đầu ra sản phẩm bấp bênh mà chi phí chuyến biển quá cao nên hiệu quả sản xuất chưa cao. Hiện giá dầu giảm nhưng giá các mặt hàng nhu yếu phẩm vẫn còn cao nên nhiều phương tiện vẫn gặp khó khăn, nhất là các phương tiện đánh bắt xa bờ, phải mua sắm nhu yếu phẩm sử dụng hàng tháng trời khi bám biển. “Thường thì khi giá xăng dầu giảm xuống thì các mặt hàng khác cũng giảm theo. Vậy nhưng hiện chi phí khi mua đá cây, lương thực, thực phẩm, gas và các mặt hàng thiết yếu khác vẫn… bình chân như vại. Chúng tôi mong giá cả đầu vào ổn định để yên tâm bám biển” - ngư dân Bùi Xuân Thành (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang, Núi Thành), chủ tàu cá QNa-91991 có công suất 320CV theo nghề lưới vây nói.

Hỗ trợ nhiên liệu

Đến thời điểm này, Quảng Nam có tổng số phương tiện khai thác hải sản là 4.164 tàu thuyền. Trong số đó, tàu có công suất từ 90CV trở lên là 361 chiếc. Các nghề sản xuất xa bờ của ngư dân Quảng Nam tập trung chủ yếu ở các nghề câu mực xà, lưới vây và chụp mực. Do tàu cá thực hiện dịch vụ hậu cần trên các vùng biển xa còn hạn chế nên ngư dân phải liên tục đi và về sau mỗi chuyến biển. Trong điều kiện sản xuất như vậy, chi phí khai thác hải sản của ngư dân Quảng Nam luôn cao hơn ngư dân ở các địa phương khác như Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng. Rất may là ngư dân trên địa bàn tỉnh đã tiếp cận được chính sách hỗ trợ, phần nào ổn định sản xuất. Trong năm 2014, ngư dân Quảng Nam đã được giải ngân 101 tỷ đồng hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Quyết định 48). Đến thời điểm này, sau 2 đợt xét duyệt, UBND tỉnh đã giải ngân số tiền hỗ trợ nhiên liệu đối với các tàu sản xuất trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 là 50 tỷ đồng. Nhiều ngư dân đã được hỗ trợ nhiên liệu theo quyết định của Chính phủ nhưng một số ngư dân khác vẫn chưa tiếp cận được chính sách này. Điều kiện để được nhận hỗ trợ là trong hồ sơ của mình, ngư dân phải được xác nhận là tham gia sản xuất ở vùng biển Hoàng Sa hoặc Trường Sa qua đóng dấu của chính quyền thuộc 2 huyện đảo hoặc nhắn tin về trạm bờ qua hệ thống định vị vệ tinh GPS. Nhiều ngư dân bám biển quanh năm ở ngư trường Hoàng Sa chưa nhận được hỗ trợ nhiên liệu do không đủ kinh phí để lắp đặt hệ thống định vị vệ tinh GPS. Các ngư dân mong ngành thủy sản tinh giản các thủ tục để được hỗ trợ kinh phí lắp đặt máy GPS, qua đó được nhận hỗ trợ nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Các ngư dân theo nghề câu mực xà bám biển quanh năm nhưng vẫn chưa được nhận hỗ trợ nhiên liệu tối đa là 4 chuyến biển/năm. Do đặc thù của nghề này là mỗi chuyến biển kéo dài từ 3 tháng trở lên. Ngư dân theo nghề câu mực xà đề xuất, ngành thủy sản nên hỗ trợ tối đa khi họ sản xuất hơn 100 ngày ở vùng biển xa. Bởi thực chất là họ đã có 4 chuyến biển sản xuất trên vùng biển xa trong 1 năm.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm động lực bám biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO