Thêm lực cho hoạt động nhân đạo

NGUYỄN THỊ KIM DUNG (Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy) 17/09/2015 08:54

Thực hiện Chỉ thị 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam, ngày 14.9.2010 Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 988-CV/TU yêu cầu các cấp ủy đảng tăng cường sự lãnh đạo đối với hoạt động của hội CTĐ, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp đối với công tác nhân đạo; các sở, ban ngành, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội tăng cường mối quan hệ phối hợp, củng cố, phát triển tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hội CTĐ các cấp. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, sở, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các cấp hội CTĐ đã xây dựng chương trình, kế hoạch, quán triệt, triển khai sâu rộng việc thực hiện Chỉ thị 43 ở địa phương, đơn vị và các tầng lớp nhân dân.

Hội Chữ thập đỏ huyện Núi Thành bàn giao nhà nhân đạo cho hộ nạn nhân da cam.  Ảnh: PHAN CÔNG RY
Hội Chữ thập đỏ huyện Núi Thành bàn giao nhà nhân đạo cho hộ nạn nhân da cam. Ảnh: PHAN CÔNG RY

Triển khai sâu rộng

Thực hiện Chỉ thị 43, các cấp ủy đảng trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo củng cố tổ chức và hoạt động của hội CTĐ. Trong đó, phân công cán bộ, đảng viên có năng lực làm công tác hội; chỉ đạo các cấp chính quyền, đoàn thể phối hợp với hội CTĐ trong công tác nhân đạo và tạo điều kiện thuận lợi cho hội hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 100% địa phương cấp huyện và xã có tổ chức hội ctđ hoạt động ổn định. Đội ngũ cán bộ, lực lượng hội viên, tình nguyện viên được tập trung xây dựng đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có năng lực, tâm huyết với công tác, thể hiện được vai trò nòng cốt, xung kích trong hoạt động nhân đạo ở địa phương. Ngoài ra, các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo tăng cường tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác nhân đạo, từ thiện...

Về phía chính quyền, UBND tỉnh và các địa phương đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động nhân đạo; quan tâm tạo điều kiện về kinh phí, biên chế, hỗ trợ cơ sở vật chất để các cấp hội hoạt động. Đặc biệt, ban hành chính sách phụ cấp đối với cán bộ hội cấp cơ sở, đẩy mạnh vai trò nòng cốt của hội CTĐ trong hoạt động nhân đạo tại địa phương. Phát huy vai trò của hội CTĐ trong việc tham gia xây dựng các chủ trương, chính sách xã hội, tham gia xóa đói, giảm nghèo; thực hiện các chương trình, dự án vì mục tiêu nhân đạo; tạo điều kiện để hội CTĐ tham gia thực hiện tốt các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, vì hòa bình, hữu nghị và phát triển.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp công tác hội và phong trào CTĐ trên địa bàn tỉnh tiếp tục được phát huy. Phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện, ngành ngành làm việc thiện” được phát triển sâu rộng. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo tiếp tục được mở rộng và tăng cường; tổ chức bộ máy, cán bộ các cấp hội từng bước được kiện toàn; nội dung, phương thức hoạt động của hội luôn được đổi mới. Hội CTĐ các cấp đã thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiện toàn tổ chức hội... Toàn hội CTĐ trong tỉnh hiện có 329 cán bộ chuyên trách, với tổng số 55.423 hội viên và 10.636 tình nguyện viên.

Góp phần an sinh

Trong hoạt động của hội CTĐ các cấp, công tác chăm sóc sức khỏe, sơ cấp cứu ban đầu, hiến máu nhân đạo có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động. Đến nay, các hội cấp huyện đã tham gia tuyên truyền hoạt động sơ cấp cứu và chăm sóc sức khỏe dựa vào mạng lưới tình nguyện viên. Nổi bật là công tác vận động hiến máu nhân đạo đang trở thành phong trào rộng khắp. Trong 5 năm qua, toàn tỉnh tổ chức vận động 50.899 lượt người tham gia hiến tổng số 42.416 đơn vị máu, góp phần khắc phục cơ bản tình trạng khan hiếm máu điều trị cho người bệnh trên địa bàn tỉnh.

Công tác xã hội đã có nhiều chuyển biến theo hướng xuất phát từ nhu cầu của cộng đồng. Phong trào tương thân, tương ái ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia như “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo, nạn nhân chất độc da cam”,  “Ngân hàng bò”… Các mô hình hũ gạo, kho thóc, bát cháo tình thương đã góp sức giúp đỡ những người nghèo khổ, bất hạnh vươn lên trong cuộc sống. Thời gian qua, các cấp hội đã vận động đóng góp cứu trợ cho hơn một triệu lượt người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hỗ trợ sửa chữa và xây dựng nhà ở cho hơn 900 hộ nghèo, bị thiệt hại do thiên tai. Các cấp hội cũng đã vận động nhiều tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ xây dựng công trình nhân đạo phục vụ dân sinh.

Phòng ngừa, ứng phó thảm họa cũng đã được các cấp hội triển khai mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nhân dân. Đã có hàng nghìn lượt cán bộ, tình nguyện viên, học sinh, giáo viên được tập huấn kiến thức phòng ngừa, ứng phó thảm họa để tự bảo vệ gia đình, bản thân và xã hội. Công tác vận động xây dựng quỹ nhân đạo của hệ thống hội CTĐ duy trì hoạt động có hiệu quả, qua đó đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng như ở nước ngoài đóng góp cho quỹ nhân đạo - từ thiện với tổng trị giá 298,5 tỷ đồng. Những năm qua, hội CTĐ các cấp đã chủ động duy trì xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, sở, ban ngành liên quan trong việc tham mưu đề xuất cơ chế, chính sách và triển khai các hoạt động về nhân đạo, tham gia chương trình đề án về dân sinh, xóa đói, giảm nghèo...

Xây dựng các cấp hội vững mạnh

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chỉ thị 43 còn một số hạn chế, như: trách nhiệm của chính quyền một số địa phương trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện hoạt động cho hội CTĐ chưa được kịp thời. Việc cụ thể hóa Chỉ thị 43, Luật Hoạt động CTĐ và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ, bộ, ngành trung ương chưa được kịp thời và đồng bộ. Trong khi đó, quy định về tổ chức bộ máy và chế độ chính sách đối với tổ chức, cán bộ hội còn chưa phù hợp. Ngay bản thân một số tổ chức hội CTĐ chưa phát huy tính chủ động tham mưu, đề xuất trong chỉ đạo và hoạt động; nội dung, phương thức hoạt động chậm đổi mới...

Với những nhìn nhận trên, để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 43, trong thời gian đến, các cấp cần tiếp tục tổ chức quán triệt chủ trương của Đảng về công tác CTĐ đến các chi bộ, đảng bộ, cơ quan, ban ngành, Mặt trận, đoàn thể và tầng lớp nhân dân. Các địa phương, đơn vị cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, nội dung, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện cho phù hợp với điều kiện thực tế của tổ chức, đơn vị mình, gắn với tuyên truyền, triển khai Luật Hoạt động CTĐ. Chính quyền các cấp thường xuyên quan tâm chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, tạo điều kiện để hội CTĐ hoạt động hiệu quả. Các cấp hội tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp với ban, ngành, đoàn thể trong hoạt động nhân đạo thông qua việc ký kết các nghị quyết liên tịch, chương trình phối hợp.

Quan trọng hơn cả, các cấp hội CTĐ phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; nêu cao tính tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm; chủ động, sáng tạo trong lĩnh vực hoạt động; tích cực vận động các nguồn lực cho hoạt động nhân đạo; chủ động tham mưu, đề xuất kêu gọi vận động, phát huy vai trò quỹ nhân đạo xã hội. Đồng thời tiếp tục chăm lo đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; nâng cao chất lượng tham mưu với các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác nhân đạo. Tăng cường tuyên truyền, vận động thu hút và phát triển hội viên, lực lượng tình nguyện viên, qua đó phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của hội CTĐ trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện.

NGUYỄN THỊ KIM DUNG
(Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm lực cho hoạt động nhân đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO