Thèm lụt

ĐĂNG QUANG 21/11/2016 08:26

CÓ những chuyện dường đã thành hoài niệm. Như câu ca xưa thường nghe “ông tha, bà chẳng tha/ cũng còn cây lụt hăm ba tháng Mười”, mấy năm nay hầu như không ứng nghiệm.

Ấy là nói chuyện lụt. Hồi trước, quê tôi ven sông Thu mỗi năm có dăm ba cây lụt. Trừ những trận “đại hồng thủy” mới phải sợ, còn mỗi khi trời lụt là có thêm niềm vui. Nói vui vì nhà nông biết bày trò “chung sống với lũ” rất tự nhiên. Thường hết mùa gặt lúa hè thu, phơi phong xong thì chất lên gác, đồng bỏ hoang cho lúa rài. Sau vài ba tháng, người ta đi lẩy lúa rài về rang cốm. Rồi những cơn mưa trắng trời trắng đất ập tới, ít hôm đã thấy nước lên đồng. Nước lũ cuộn về, dềnh lên sông, lên biền bãi. Lúc đó, trong nhà đã trữ cá khô, hũ mắm, dầu đèn,... nước lụt ngâm cả tuần vẫn có mắm kho ăn “chết cơm”. Cơn lũ đầu mùa người ta đi kéo rớ, vợt được cá trắng về kho lá nghệ. Rồi thì bắt dế, bắt chuột đồng, thả lưới... Có nhà khá khẩm chút thì nhân trời lụt mà hùn nhau xay bột đổ bánh xèo. Trong khi tiếng xèo xèo phát ra từ chái bếp nghi ngút thơm lừng mùi phi hành mỡ, các cụ còn bày bàn cờ tướng chơi, chờ từng chiếc bánh đưa lên còn bốc  khói. Có cây lụt ngâm mấy hôm, cái lạnh phả lên từ con nước bạc ì oạp, nhiều người dân quê tôi vẫn thong dong ăn cơm với mắm kho. Mẹ còn lục lọi mấy trái bắp khô ngồi tách hạt rồi rang nổ với nước mắm. Nằm ủ mình trên gác đọc sách, tay quờ nắm bắp rang mà túc tắc nhâm nhi còn gì thú bằng.

Với nhà nông quê tôi những cơn lụt sau mùa gặt hè thu có những ích lợi khó kể hết. Lũ lụt giúp thu dọn đồng bãi bớt chuột hại, sâu rầy, vừa cấp cho mùa “đất nghỉ” một lớp phù sa mới nõn nà. Chờ sau ngày 23.10 âm lịch, hết lụt, mới ra đồng cuốc lật, cày xới chuẩn bị vụ mùa đông xuân. Năm nào có vài cây lụt là năm sau có cơ lúa tốt, lúa trúng. Bằng ngược lại, không lụt là nông phu chép miệng than thầm, lo ngay ngáy cho cây lúa mùa sau bị chuột cắn phá.

Vật đổi sao dời, biến đổi khí hậu ra làm sao mà nhiều năm rồi không có những cây lụt theo chu kỳ. Một phần nữa cũng vì thủy điện đã ngăn từ nguồn. Năm nay, dù có những đợt mưa lớn nhưng vẫn không đủ cho các hồ chứa thủy điện và thủy lợi. Vì thế cây lụt nhỏ vào đầu tháng 11 trở thành dịp hiếm hoi để bà con vùng ven sông Thu tìm lại cảm giác đón lũ. Thật thú vị với quang cảnh người ta rủ nhau đi vớt lệch (con lịch - cùng họ lươn) ở cuối dòng  Đế Võng. Thức quà ngày lũ với món lịch xào lăn, nhất là món lịch huyết (giờ rất hiếm, có giá hơn 400 nghìn đồng/kg).

Có lụt vừa vừa là nhà nông mừng, tất nhiên không mong cảnh tang thương vì lụt quá lớn như các năm Thìn (1904, 1964), hay như cảnh xả lũ chồng lên lũ mà thủy điện đã làm ở các tỉnh Bắc miền Trung vừa rồi. Thèm lụt là nỗi thèm có thật của đồng bãi xứ Quảng, như là một nhịp nghỉ cho đất đai tái tạo nguồn năng lượng, cho phù sa sinh lực mới.

Các vị cao niên sống dãi dầu trên vùng đất ven Thu Bồn, Vu Gia, còn chứng những “ngấn” nước lũ in lên bờ tre, bờ vách tường nhà, như vết tích bể dâu đời người. Và, mấy năm trôi đi, cái ngấn nước ấy cũng như ngày xưa đã chìm vào hoài niệm. Sự vần xoay của mùa đã có cơ biến đổi cùng với khí hậu, cái nắng đến chát chúa, khô hạn triền miên...

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thèm lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO