Đọc “Đi trong phố thu” (NXB Văn học, 2022), tập tản văn vừa xuất bản của Nguyễn Quang Hưng, tôi thấy có sự đi về giữa phố và quê. Chợt nhớ tập thơ “Nguyễn Quang Hưng 68” của anh cũng viết về phố và quê. Mới hay, sự dùng dằng phố - quê đã ăn sâu vào máu thịt, vào những con chữ của anh.
Phố, cũ và mới
Nguyễn Quang Hưng quê ở Hà Đông. Phố quá đỗi quen thuộc trong anh nhưng không phải vì thế mà anh nhàm chán, xơ cứng trước phố. Cảm nhận về phố vẫn được “chiết xuất” từ những run rẩy, những đắm đuối, lạ mà quen, quen mà lạ.
Chọn ngôi kể thứ nhất xưng tôi và luôn đặt mình trong tâm thế du khách để làm mới những cái đã cũ, gọi phố về trong những cung bậc cảm xúc đa dạng, vừa luyến tiếc, ngậm ngùi vừa tự hào, trân trọng, vừa sâu lắng, tinh tế vừa gần gũi, thân mật.
Phố của ký ức, hoài niệm, của những gì xa xưa nên dưới ngòi bút của anh phố thường tiếp cận ở bề sâu, ở cảm xúc. Từ cái tôi du khách, người đọc cảm nhận được nỗi lòng cũng như đánh giá, suy luận đầy triết lý của anh.
Những gợi nhắc về một thời gian đã qua, một không gian cũ, một lớp người cũ đủ để toát lên hồn vía của phố. Đó là phố với hình ảnh bà cụ trông đền liệt sĩ phường Hàng Gai với “cả một bộ sưu tập sống động về những người trai phố phường bước vào trận mạc”, với các nhà sưu tập cổ vật có “khi yêu đắm đuối cuồng say, khi lại chơi ngẫu hứng tùy duyên, tùy cảnh, tùy thời”; với ông già tóc bạc thấp đậm phảng phất chút điệu đà phong lưu dành cả cuộc đời tìm kiếm, nâng giữ các giá trị xưa; với người đàn ông tóc muối tiêu sửa chữa hay may vá gì đó đằng sau cánh cửa...
Những con người này dường như đối nghịch với phố xá sầm uất, nhưng chính họ lại là một phần của kỷ niệm, đan xen giữa sự thanh lịch, sang trọng và sự bình dị, dân dã. Anh gọi họ là “lớp người đang vươn đến từ trong phố cũ”, đang trôi trong bóng phố hồn phố.
Vẫn từ góc nhìn tương phản, bên cạnh một trung tâm phố mê mải rộn rã, nhộn nhịp buôn bán nào thúng nào mẹt nào chuỗi hàng mã,... là một ngoại vi phố với ấm chén được bọc trong túi ny lon treo vào thân cây, cái phích nước được lấy ra từ sau chiếc bốt điện, một ngõ bé hút sâu với nhiều vệt lõm khắc trên tường, một cái sân chung của nhiều hộ gia đình...
Nhưng phố có chật hẹp có tất bật cỡ nào cũng chừa chỗ cho đất đai thở, tận hưởng không khí trong lành của sương sớm và phấn khởi đón nắng lên. Những người ở phố luôn dành cho mình một không gian riêng hòa vào thiên nhiên, vào những vòm xây sum sê, những “đảo cây” hay ngắm trông sự uyển chuyển nước hồ....
Họ đã “gọi rừng trong phố”, kéo thiên nhiên về trong sự “căng chật” của phố phường. Chừng ấy để thấy nhiều khi sự căng chật lại khiến con người càng trân trọng nâng niu khoảnh khắc thanh tịnh, bình yên, đặng bồi đắp tâm hồn.
Phố qua lăng kính của sự chiêm nghiệm
Nguyễn Quang Hưng còn nhìn phố ở một góc độ khác, phố trong những trang sách, trong những bức ảnh. Nếu nhìn trực tiếp, phố của anh vẫn giữ nét “đẹp đẽ, lịch lãm và thân mến” của trái tim Hà Nội nhưng khi phố được trải nghiệm qua sách và hình ảnh thì phố thêm lần nữa được “sống thêm và sống lại”. Phố của những đồng vọng, khúc xạ và mở rộng vô biên.
Phố của Nguyễn Quang Hưng hội tụ nhiều mặt về địa lý, văn hóa, lịch sử. Phần lớn xuất phát từ điểm nhìn bên trong, nên tản văn của anh thiên về giọng điệu hoài vọng, thiết tha, lưu luyến, đầy trầm tư. Mỗi một góc nhìn, hình ảnh, âm thanh, màu sắc... đều khơi gợi suy nghĩ về tình yêu, lẽ sống và thân phận.
Những suy tư, nếm trải, chiêm nghiệm về hình ảnh ông thợ giày cặm cụi ngồi khâu, người dắt xe đạp lam lũ chở hoa, bà cụ cô đơn bên bức tường rêu phong Ô Quan Chưởng... hay tận hưởng mùi thơm non mềm dẻo của cốm, thấy đèn trăng trong mỗi con người... mang đến cho anh nhiều xúc cảm. Đó là sự lung linh, quyến rũ của tâm hồn.
Viết về phố, nghĩ về phố tức là anh đang tự làm giàu cái tôi nồng nàn rất đỗi yêu cuộc sống của mình. Đúng như anh nhận định: “Chớp lấy một hình, một bất động lưu lại giữa phố, giữa ngõ, dưới cây, trong cửa, một dáng, một nét mặt, đôi tay, với vài đồ vật, cây cối..., mà như gọi lại thời gian, gợi cảm xúc lịch sử, sử chung cộng đồng và sử một góc phố thôi, cũng giàu có lắm, hay một day dứt đời người, phận người”.
Là người yêu phố, Nguyễn Quang Hưng còn đặt ra nhiều vấn đề muốn người đọc vọng đáp. Anh ao ước có nhiều hơn những người lưu giữ ký ức Hà Nội, muốn có nhiều hơn những bức ảnh về Hà Nội cả xưa và nay được treo ở không gian công cộng... Bởi theo anh, nếu không nhặt lại những chuyện đang trôi dần thì càng ngày Hà Nội càng rỗng đi nhiều.
Phố sẽ ngày một phát triển, biến động cuốn con người vào guồng quay không ngưng nghỉ. Do vậy, con người cần sống chậm lại một chút, tĩnh lặng lại một chút để được là chính mình, sống cho mình, thấy được giá trị to lớn của văn hóa truyền thống và biết quý những gì đã trôi qua.