Thêm một "mùa sách" Quảng

BẢO ANH 07/11/2021 06:08

Sau hơn 3 tháng thẩm định độc lập, các thành viên Hội đồng Thẩm định hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021 đã có cuộc họp chung vào đầu tuần này để xét chọn và đề xuất hỗ trợ các tác phẩm, công trình chất lượng.

Một số bản thảo dự xét hỗ trợ sáng tạo và phổ biến năm 2021. Ảnh: B.A
Một số bản thảo dự xét hỗ trợ sáng tạo và phổ biến năm 2021. Ảnh: B.A

Từ 32 bản thảo dự xét hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021, Hội đồng thẩm định đã chọn 18 bản thảo để đề nghị UBND tỉnh quyết định hỗ trợ kinh phí xuất bản. Trong đó, có 6 bản thảo thuộc lĩnh vực nghiên cứu và 12 tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học.

Đầu tư kỹ hơn

So với các lần trước đây, năm nay hầu hết bản thảo gửi về tham gia dự xét hỗ trợ bám rất sát yêu cầu, đó là sáng tác, nghiên cứu về mảnh đất, văn hóa, con người Quảng Nam. Hình thức bản thảo cũng được nhiều tác giả quan tâm chăm chút kỹ lưỡng, bài bản hơn.

 Trong hai mảng sách mà chương trình hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam hướng đến, lần này, tính chủ đề thể hiện rất rõ nét. Ở mảng sách nghiên cứu, hầu hết tác giả, nhóm tác giả tập trung khai thác, khảo cứu, sưu tầm về các giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa, văn nghệ dân gian, lễ hội, các biểu tượng văn hóa, các danh nhân... của xứ Quảng.

Đặc biệt, có một số tác phẩm, công trình đi vào nghiên cứu các vấn đề hoàn toàn mới hoặc khai thác theo hướng làm rõ nét hơn nhưng câu chuyện “ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu đầy đủ”.

Còn ở sách văn học, “tính Quảng” không hiển lộ cụ thể như mảng nghiên cứu mà được thể hiện khéo léo, tinh tế thông qua các hình tượng, biểu trưng, đặc biệt là trong giọng điệu và bản sắc ngôn ngữ. Nói cách khác, có nhiều tác phẩm dù không hề có sự liệt kê địa danh nhưng khi đọc, vẫn có thể nhận ra ở đó một không gian Quảng đậm đặc, một “cá tính Quảng” không lẫn vào đâu được.

Những mới mẻ thú vị

Trong số bản thảo gửi dự xét chương trình hỗ trợ năm 2021, “Gặp nhau từ muôn kiếp trước” là một trong những bản thảo gây chú ý đặc biệt cho Hội đồng thẩm định. Không chỉ tựa sách có vẻ “ngôn tình” mà tên tác giả (bút danh) cũng khá lạ: “Thảo Hương, Trần”.

Quan trọng hơn, văn phong, kết cấu, nội dung của tập truyện dài này cũng khá thú vị, có nhiều điểm mới so với sinh quyển văn chương Quảng Nam hiện nay. Thông qua mối tình của một nhà nghiên cứu trẻ người Nhật Bản và một cô giáo người Việt, với việc sử dụng nhuần nhuyễn thủ pháp nghệ thuật đồng hiện, tác giả tạo nên cho tập truyện dài “Gặp nhau từ muôn kiếp trước” những không gian, thời gian có tính liên kết rộng lớn, gắn nối hài hòa từ quá khứ đến hiện tại. Qua đó, phác họa được phần nào mối bang giao Việt - Nhật trong quá khứ và các hoạt động hợp tác trên lĩnh vực văn hóa giữa hai quốc gia hiện nay.

Một trường hợp “gây chú ý” khác là trường ca “Sóng Thu Bồn” của Nguyễn Giúp. Ở Quảng Nam, rộng ra là ở Việt Nam, trường ca hiện vẫn là thể loại ít người viết. Nguyễn Giúp đã mạnh dạn thử sức. Tiếp cận từ hình tượng sông mẹ Thu Bồn, “Sóng Thu Bồn” đầy ắp thanh âm, sắc màu, vóc dáng của vùng đất “chưa mưa đà thấm”; có tính khái quát và có giá trị biểu tượng.

Xuyên suốt trường ca là những cảm xúc da diết, hào sảng, lãng mạn, đầy yêu thương về đất và người Quảng Nam. Những hình ảnh thân thương, gần gũi, mộc mạc được chuyển hóa thành những thi ảnh đẹp, nhiều cảm xúc và giàu chất thơ; dung chứa khá đầy đủ yêu cầu cần phải có của thể loại trường ca.

Trong khi đó, công trình “Không gian văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số Quảng Nam” của Tôn Thất Hướng thuyết phục Hội đồng thẩm định ở sự công phu, chi tiết, kỹ lưỡng trong việc khảo cứu về các dân tộc thiểu số ở Quảng Nam nói chung và đặc biệt là về nghệ thuật cồng chiêng nói riêng. Đa số thành viên Hội đồng thẩm định cho rằng “đây là nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số Quảng Nam trong thời gian tới”.

Và tiếp tục chờ đợi

Sau 4 lần xét hỗ trợ sáng tạo và phổ biến tác phẩm văn học, nghiên cứu về Quảng Nam, năm 2021 là lần đầu tiên không có tiểu thuyết. Trước đây, số bản thảo tiểu thuyết xuất hiện trong mỗi kỳ xét hỗ trợ không nhiều, chỉ 1-2 tập, song vẫn đủ để làm nên sự đa dạng của một “không gian văn chương”. Thành ra, sự thiếu vắng thể loại được xem là “đỉnh” của văn học này là đáng tiếc, đành phải chờ đợi và hy vọng ở những kỳ xét chọn tiếp sau.

Trong khi đó, bút ký, tùy bút, ký sử lại xuất hiện khá nhiều, báo hiệu sự “trỗi dậy” của một dạng thể loại văn chương được xem là “năng động, gắn với thời cuộc” nhất hiện nay. Trong số này, có những tác phẩm có chất lượng nội dung, nghệ thuật tốt. Tuy nhiên, hầu hết là những cái ngoái nhìn lại quá khứ, trong khi những cái nhìn về cuộc sống đương đại thì khá hiếm hoi.

Dù vậy, theo ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Chủ tịch Hội đồng Thẩm định hỗ trợ sáng tạo, phổ biến tác phẩm, công trình văn học, nghiên cứu về Quảng Nam năm 2021, trong một thời gian ngắn nhưng có được 32 bản thảo tác phẩm, công trình nghiên cứu gửi về dự xét là một điều đáng quý, thể hiện sự quan tâm của giới nghiên cứu và sáng tác trong, ngoài tỉnh đối với sự “đặt hàng” của lãnh đạo Quảng Nam.

“Mừng hơn là chúng ta đã tìm ra được, đã có được những tác phẩm, công trình đảm bảo chất lượng để hỗ trợ. Đối với sáng tạo văn học và nghiên cứu, không thể đưa ra những đòi hỏi cấp thời mà phải biết chờ đợi và hy vọng” - ông Tân nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm một "mùa sách" Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO