(QNO) - Sau Ấn Độ, thêm 2 quốc gia là Nga và Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) vừa ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tạm thời.
Bộ Kinh tế UAE áp đặt lệnh tạm ngừng xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng, kể từ ngày 28/7/2023 nhằm đảm bảo cung cấp đủ gạo tại thị trường nội địa.
Lệnh cấm áp dụng cho các loại gạo bao gồm gạo xay (kể cả gạo lức), gạo xay xát toàn bộ hoặc một phần, gạo đã đánh bóng và nghiền cũng như tất cả gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ nhập khẩu vào nước này.
Lệnh cấm của UAE diễn ra sau một tuần lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng ngoại trừ gạo đặc sản basmati của Chính phủ Ấn Độ.
UAE là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 16 trên thế giới vào năm 2021, phần lớn từ Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Thái Lan.
Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ là một đòn giáng mạnh vào thị trường gạo toàn cầu, gây lo ngại về nguồn cung, đặc biệt là ở các nước nhập khẩu lớn như UAE - nơi nhập khẩu 90% lương thực.
Các nước Trung Đông bị ảnh hưởng trực tiếp bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ và giá gạo cũng tăng. Ngoài UAE, Iran, Ả-rập Xê-út là những nhà nhập khẩu gạo basmati hàng đầu từ Ấn Độ từ tháng 4 đến tháng 12/2022.
Theo Reuters, các nhà cung cấp cũng như cửa hàng thực phẩm ở UAE cho biết giá gạo sẽ tạm thời tăng sau lệnh cấm. Một số phương tiện truyền thông UAE dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng giá chung 40% do lệnh cấm của Ấn Độ - quốc gia chiếm 40% nguồn cung gạo toàn thế giới.
Trong kho đó, cuối tuần qua, Chính phủ Nga thông báo áp đặt lệnh cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến cho đến ngày 31/12/2023, nhằm duy trì sự ổn định của thị trường nội địa.
Nga trồng lúa chủ yếu ở các vùng phía tây nam của đất nước, gần biên giới với Azerbaijan, Georgia và Kazakhstan.
Nga cũng cho biết lệnh cấm sẽ không ảnh hưởng đến các quốc gia thành viên của Liên minh kinh tế Á - Âu (bao gồm 5 quốc gia Belarus, Kazakhstan, Nga Kyrgyzstan và Tajikistan), Nam Ossetia và Abkhazia.
Chính phủ Nga cũng thông báo, gạo có thể được gửi ra nước ngoài vì mục đích nhân đạo cũng như trong khuôn khổ vận chuyển quá cảnh quốc tế.
Thực tế, dù Nga và UAE không nằm trong nhóm 10 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, việc theo sau Ấn Độ để hỗ trợ thị trường nội địa khiến thị trường xuất - nhập khẩu gạo thế giới thêm biến động.
Ngay sau lệnh cậm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, UAE và Nga, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lên mức cao.
Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam tăng lên 550 - 575 USD/tấn vào ngày 27/7/2023, mức cao nhất kể từ năm 2011, từ mức 515 - 525 USD/tấn một tuần trước đó.
Nhiều thương nhân quốc tế cho rằng giá gạo xuất khẩu ở châu Á, nhất là từ Thái Lan và Việt Nam có thể tăng lên tới 600 USD/tấn, thậm chí 700 USD/tấn đối với gạo chất lượng cao vì lệnh cấm xuất khẩu của các nước và trong điều kiện thời tiết cực đoạn El Nino tác động đến lĩnh vực sản xuất lúa gạo.