Bảo đảm an toàn vốn, đầu tư hiệu quả, giám sát các hoạt động đầu tư tài chính… là những vấn đề quan trọng được nêu lên lại cuộc giám sát của HĐND tỉnh với Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam mới đây.
Tăng trưởng
Một khu phố chợ Nam Phước (Duy Xuyên) được xây dựng trên mặt ruộng, làm thay đổi bộ mặt nông thôn thị trấn Nam Phước; một khu dân cư An Hà - Quảng Phú (Tam Kỳ) dân hối hả dựng xây những ngôi nhà mới trên mặt cát trắng hay những tuyến xe buýt xuôi ngược trên 5 tuyến lộ đồng bằng… là vài dự án thể hiện bề nổi của tiến trình đầu tư thuộc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam trong vòng 7 năm qua. Báo cáo với HĐND tỉnh mới đây, ông Nguyễn Tiên Thạch - Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho hay nguồn vốn hoạt động của quỹ đã tăng trưởng vượt bậc. Vốn huy động và vốn bổ sung từ hoạt động chiếm 73%/tổng nguồn vốn. Toàn bộ vốn của quỹ đầu tư thuộc 3 lĩnh vực: đầu tư trực tiếp, cho vay và góp vốn thành lập doanh nghiệp với các dự án phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội Quảng Nam.
Quang cảnh cuộc họp giám sát của HĐND tỉnh với Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam. Ảnh: T.PHONG |
Đại diện Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cho biết, tổng nguồn vốn của quỹ đến 31.8.2016 đã gấp 2,59 lần vốn chủ sở hữu và gấp 3,77 lần vốn ngân sách cấp. Tổng mức cho vay đầu tư đến nay đạt 531,17 tỷ đồng, thu hút khoảng 4.000 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư vào 42 dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo tính toán của Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam, bình quân 1 đồng vốn quỹ cho vay đã huy động khoảng 7,53 đồng vốn ngoài xã hội tham gia đầu tư. Bình quân 1 đồng vốn ngân sách cấp đã huy động khoảng 34,41 đồng vốn tư nhân tham gia đầu tư. Hiện 38 dự án quỹ cho vay đã đi vào hoạt động hiệu quả. Ông Nguyễn Tiên Thạch cho biết mục đích đầu tiên của quỹ là bảo toàn và phát triển nguồn vốn nhà nước giao. Hiện doanh thu, chênh lệch thu - chi tăng trưởng bình quân trên 10%/năm. Suất sinh lợi vốn trên vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu và trên tổng tài sản luôn duy trì ổn định với một tỷ lệ cao. Chênh lệch thu - chi các năm bổ sung vào nguồn vốn chủ sở hữu đến nay đã đạt hơn 71,15 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm bổ sung thêm hơn 10 tỷ đồng.
Không dễ mở rộng đầu tư
Theo kế hoạch, từ năm 2016 - 2020, Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam sẽ đầu tư khoảng 20 dự án. Sẽ có ít nhất 6 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở, đất ở cho cán bộ, người thu nhập thấp và khu nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, khu dân cư và trung tâm hành chính… từ đồng bằng đến miền núi. Hiện quỹ triển khai đầu tư xây dựng 3 khu dân cư thu nhập thấp tại đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc với tổng vốn đầu tư dự kiến 91 tỷ đồng. Sự hình thành các khu dân cư, nhà ở, đất ở tại các khu vực này sẽ tạo điều kiện “an cư lạc nghiệp” cho số đông công nhân, tiếp thêm lực cho doanh nghiệp phát triển.
Theo Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam, tổng nguồn vốn hoạt động của quỹ đến cuối tháng 8.2016 đạt 560 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu là 217 tỷ đồng (chiếm 38% tổng nguồn vốn). Còn lại là các khoản nợ phải trả khoảng 343 tỷ đồng, chiếm 62% tổng nguồn vốn hoạt động. Vì vậy, để thực hiện hiệu quả các dự án này, Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam cần phải tăng vốn điều lệ ít nhất khoảng 250 tỷ đồng. Trong số đó, lợi nhuận từ quỹ bổ sung 50 tỷ đồng. Phần còn lại khoảng 200 tỷ đồng không biết tìm đâu ra nên buộc lòng phải đề nghị ngân sách nhà nước cấp thêm mỗi năm ít nhất 50 tỷ đồng. Ngoài ra, quỹ còn đề nghị quản lý thêm các quỹ tài chính khác, kiến nghị tìm kiếm các nguồn ODA khác với lãi suất ưu đãi để cho Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam vay và cần thêm chính sách hỗ trợ cho quỹ đầu tư dự án khu dân cư thu nhập thấp để giảm giá thành sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đất ở cho công nhân, người có thu nhập thấp.
Những thống kê trên cho thấy Quỹ đầu tư phát triển Quảng Nam đã phát huy hiệu quả, bảo đảm an toàn vốn. Tuy nhiên, theo nhìn nhận của cơ quan giám sát (Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh), nhu cầu đầu tư các dự án nông - lâm - ngư, phát triển nông thôn lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng tại các ngân hàng thương mại khó khăn nhưng quỹ lại đầu tư rất ít dự án thuộc lĩnh vực này. Nhiều đại biểu cho rằng đa số dự án đều cho vay theo chỉ định, nhưng việc xem xét hiệu quả đầu tư của từng dự án đầu tư trực tiếp đều chưa được công bố và việc đầu tư chuyển mạnh từ cho vay sang đầu tư trực tiếp có hiệu quả, có tính toán được rủi ro hay không là chuyện cần cân nhắc, rất cần năng lực thẩm định các dự án để bảo toàn và thu hồi vốn. Đó là chưa kể nợ xấu đến 8%/tổng tài sản vẫn là điều đáng lo ngại về sự an toàn vốn của quỹ. Nhiều đại biểu yêu cầu một bản đánh giá hoạt động đầu tư trực tiếp và góp vốn đầu tư, vì nếu như bị sự cố thì ai sẽ chịu trách nhiệm khi vốn nhà nước bị thất thoát và ai giám sát, kiểm soát vốn đầu tư góp cho doanh nghiệp?
Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói HĐND hiểu khó khăn của quỹ về kiến nghị tăng vốn. Năm 2016 sẽ vượt thu nhưng sau năm này, không biết điều gì sẽ xảy ra nên khó có thể đáp ứng yêu cầu của quỹ. Theo ông Hồng, một trong những nguyên tắc hàng đầu của quỹ là trở thành một quỹ tài chính ổn định; bảo toàn vốn, thu hút nguồn lực từ ngoài ngân sách nhà nước, giảm thiểu rủi ro cho các hoạt động đầu tư tài chính. Quỹ cần rà soát, chọn lựa danh mục đầu tư trọng điểm phục vụ phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội mà HĐND tỉnh đã thông qua và nhanh chóng thu hồi vốn từ những dự án bị nợ xấu!
TÙY PHONG