Thêm nguồn lực đầu tư từ vốn ODA

TRỊNH DŨNG 09/05/2023 07:19

HĐND tỉnh đã quyết định điều chỉnh, bổ sung thêm vốn ODA vào đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Đây là một trong những kênh huy động vốn để đầu tư phát triển các dự án tại địa phương. Tuy nhiên, việc tiếp cận và năng lực giải ngân cao của nguồn vốn này là điều không dễ dàng.

Trước tình trạng sạt lở bờ biển Hội An, đang có một dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An từ vốn ODA chuẩn bị đầu tư. Ảnh: T.D
Trước tình trạng sạt lở bờ biển Hội An, đang có một dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An từ vốn ODA chuẩn bị đầu tư. Ảnh: T.D

Bổ sung kế hoạch vốn đầu tư trung hạn

Ngày 5/5/2023, HĐND tỉnh đã thống nhất bổ sung kế hoạch vốn ODA ngân sách tỉnh vay lại 228,433 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của 4 dự án: Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam 22,999 tỷ đồng; Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành 25,756 tỷ đồng; Sửa chữa và nâng cao an toàn đập (WB 8) 23,371 tỷ đồng; Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An 156,306 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, việc bổ sung nguồn vốn này từ quyết định bổ sung 891,898 tỷ đồng vốn ODA của Chính phủ cho địa phương (ngân sách trung ương cấp phát 662,755 tỷ đồng và ngân sách tỉnh vay lại 228,433 tỷ đồng).

Chiếu theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, hạn mức dư nợ vay của Quảng Nam đến năm 2025 là hơn 6.310 tỷ đồng. Theo tính toán này, hạn mức vay còn lại ngân sách tỉnh đến năm 2025 của các dự án sử dụng vốn ODA là 3.437,5 tỷ đồng.

Thống kê của Sở KH-ĐT, kế hoạch đầu tư trung hạn 2021 - 2025 vốn ODA sau nhiều lần điều chỉnh khoảng gần 3.998 tỷ đồng (ngân sách trung ương cấp phát gần 1.661 tỷ đồng và ngân sách tỉnh vay lại hơn 2.339 tỷ đồng). Giai đoạn 2021 - 2025, Quảng Nam hiện có 11 dự án của 9 nhà tài trợ đang thực hiện đầu tư sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi (8 dự án ngân sách tỉnh vay lại và 3 dự án ngân sách trung ương cấp phát 100%).

Có thể dễ dàng hiểu, khi luôn phải “sống” trong sự thiếu hụt nguồn lực tài chính để cung cấp cho đầu tư phát triển thì nguồn ODA là một trong những kênh đầu tư tái thiết, phát triển địa phương. Nguồn lực này đã tạo ra những dự án động lực về giao thông, thủy lợi, môi trường, đô thị, như là vốn mồi để kích thích các khu vực kinh tế khác gia tăng đầu tư.

Tính toán hiệu quả sử dụng vốn vay

Bổ sung vốn ODA cho đầu tư trung hạn được cho là hợp lý. Nhưng không ít câu hỏi đã được đặt ra là liệu có quá cần thiết phải dựa vào nguồn lực này khi tiến độ giải ngân chậm không thể tưởng tượng được của nguồn vốn này dường như là “căn bệnh chưa có thuốc chữa”.

Theo ông Nguyễn Quang Thử, tổng kế hoạch vốn nước ngoài đã giải ngân thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 1.222,7 tỷ đồng/4.088,6 tỷ đồng, đạt 30% so kế hoạch vốn (Trung ương cấp phát 482,9/1.660,7 tỷ đồng, đạt 29%, ngân sách tỉnh vay lại giải ngân 739,8/2.427,8 tỷ đồng, tỷ lệ 30,5% kế hoạch vốn).

Không thể giải ngân hết, chính quyền Quảng Nam buộc phải lên kế hoạch nộp trả, điều chỉnh kế hoạch. Năm 2021 có khoảng 648 tỷ đồng (ngân sách trung ương cấp phát 130 tỷ đồng, tỉnh vay lại 518 tỷ đồng) phải hoàn trả vì không đủ năng lực giải ngân.

Năm 2022 phải hủy dự toán hơn 321 tỷ đồng không thể giải ngân hết. Khá nhiều dự án có tổng mức đầu tư lớn như WB 8 (gần 300 tỷ đồng) hay Cải thiện môi trường đô thị Chu Lai - Núi Thành (955 tỷ đồng) đầu tư kéo dài nhiều năm phải điều chỉnh, gia hạn hiệp định vay nhiều lần, và có thể sẽ không được tiếp tục gia hạn.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thừa nhận địa phương gặp khó khi chi phí lãi vay cao và tỉnh phải bố trí vốn đối ứng 100% cho các khoản vay (Trung ương không hỗ trợ như trước đây).

Trình tự thủ tục khó khăn, từ đàm phán, phê duyệt dự án đến nhận được thư không phản đối kéo dài, mất nhiều thời gian. Hầu hết dự án ODA là những dự án trọng điểm nhưng chậm giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân thấp. Việc này khiến chi phí lãi vay tăng, dẫn đến hiệu quả sử dụng vốn vay giảm. Lòng tin các nhà tài trợ đối với địa phương đã giảm sút

Hiệu quả vốn ODA với nền kinh tế không thể bác bỏ. Tuy nhiên, việc sử dụng vốn này đang là thách thức với địa phương. Cái giá của đồng vốn vay này được chính những người trong cuộc thừa nhận không hề rẻ, bởi để giải ngân được đồng vốn ODA thì các điều kiện ràng buộc của nó không hề dễ dàng gì.

Thời hạn đầu tư dự án đã được ấn định cụ thể. Nếu không thực hiện đúng sẽ bị rút vốn, dừng tài trợ. Ngân sách địa phương buộc phải bỏ ra để hoàn thiện công trình trong khi ngân sách ngày càng khó.

ODA có phải là kênh huy động vốn rẻ cho xã hội hay không? Vay được nhiều chỉ ra uy tín, là thành tích nhưng cũng đang trở thành áp lực, ngay cả ODA không hoàn lại cũng phải đóng góp vốn đối ứng chứ không chỉ nhận không.

Ông Phạm Văn Phong - Phó Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam nói hiệu quả sử dụng vốn vay phải được đặt lên hàng đầu. Sẽ phải tính toán đến năng lực hấp thụ vốn của các dự án trên thực tế vì phải trả phí hiệp định, phí lãi vay... Không ít dự án có tỷ lệ rút vốn vay chậm so tiến độ. Có dự án phí cam kết phải trả lớn hơn rất nhiều so với vốn vay đã rút.

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, các dự án ODA cần cam kết sớm hoàn thành, hạn chế thấp nhất việc kéo dài, gia hạn thời gian hiệp định và các chi phí phát sinh liên quan. Cần đánh giá, phân tích kỹ toàn bộ vốn ODA cho các chương trình phát triển địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm nguồn lực đầu tư từ vốn ODA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO