Trong những ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi vừa qua, lượng khách tham quan một số điểm du lịch Quảng Nam có sự tương phản lớn, nhất là tại 2 Di sản văn hóa thế giới phố cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn. Xây dựng giải pháp phát triển du lịch đồng bộ trở thành yêu cầu cấp thiết.
Khách du lịch đến Hội An tăng cao dịp tết trong khi khu đền tháp Mỹ Sơn khách giảm 14%. Ảnh: K.L |
Nơi tăng nơi giảm
Báo cáo của Sở VH-TT&DL cho biết, trong 9 ngày nghỉ tết (từ ngày 2 - 10.2), tổng lượt khách tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh đạt 209.172 nghìn lượt, tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2018 (khách quốc tế ước đạt 130.080 lượt, tăng 21,46%; khách nội địa ước đạt 79.092 lượt, tăng 49,51% so với cùng kỳ năm 2018). Tại Hội An, lượng khách tăng khá đột biến, nhất là từ ngày 30 tháng Chạp đến mùng 3 tết do thành phố miễn vé tham quan phố cổ. Ước tính thời điểm này mỗi ngày có khoảng 30 nghìn lượt khách đến Hội An. Có nhiều nguyên nhân để giải thích cho sự gia tăng khách như nghỉ lễ dài ngày, thời tiết thuận lợi, hấp lực của thành phố di sản cùng các điểm vui chơi lân cận (Công viên Gami, Vinpearl nam Hội An…), kể cả nhu cầu vui chơi, giải trí, du lịch, nghỉ dưỡng của người dân ngày càng cao. Tuy nhiên, theo ông Võ Phùng - Giám đốc Trung tâm VH-TT và truyền thanh truyền hình TP.Hội An, khách tăng cao chưa hẳn đã vui, vì theo đó là những áp lực về hạ tầng, giao thông, môi trường và ứng xử không phù hợp với khách… “Nhiều nơi trên các tuyến đường phố cổ đã không đủ thùng rác, dẫn đến những áp lực về môi trường” - ông Phùng dẫn chứng.
Không như Hội An, những ngày nghỉ tết vừa qua lượng khách đến khu đền tháp Mỹ Sơn giảm khoảng 14% so với cùng kỳ. Cụ thể, từ ngày 4 – 10.2 (nhằm ngày 30 đến mùng 6 tết) ước khoảng trên 10 nghìn lượt khách đến tham quan di tích Mỹ Sơn (khách quốc tế gần 7.500 lượt), bằng 86% so với dịp tết năm 2018. “Khách giảm trên cả hai thị trường nội địa và quốc tế, đây là điều đáng lo ngại. Chúng tôi cũng không biết nguyên nhân vì sao, chắc có thể do Mỹ Sơn là điểm du lịch mang tính nghiên cứu trải nghiệm nên “kén” khách dịp tết” - ông Phan Hộ, Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn nói.
Theo ông Phan Hộ, trong tổng cơ cấu khách đến Mỹ Sơn, khách quốc tế chiếm khoảng 85% nên việc thu hút lượng khách nội địa sẽ là một trong những ưu tiên của Mỹ Sơn trong năm nay và thời gian tới. “Ngoài tập trung cho các hoạt động lễ hội kỷ niệm 20 năm được công nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới, năm 2019 chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện những hạ tầng dịch vụ dang dở từ năm trước, nhất là các sản phẩm phục vụ khách Việt, phấn đấu đón 420 nghìn lượt khách đến tham quan” - ông Hộ chia sẻ.
Triển khai nhiều giải pháp
Có thể thấy, khởi đầu du lịch Quảng Nam năm mới dù có những kết quả tốt nhưng cũng tiềm ẩn những vấn đề cần khắc phục nhằm duy trì sự phát triển bền vững. Theo ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, năm 2019 bên cạnh tập trung thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành như Nghị quyết 08-NQ/TU; Quyết định số 1117/QĐ-UBND; Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi; Quy chế quản lý nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; triển khai phần mềm du lịch thông minh; xúc tiến thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các dự án tại Quảng Nam…, sở cũng sẽ tham mưu tỉnh tiếp tục thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu đến các khu, điểm du lịch; đẩy mạnh xây dựng các sản phẩm du lịch, khu vui chơi giải trí; hỗ trợ xây dựng câu chuyện cho sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Quảng Nam); tập trung xây dựng sản phẩm du lịch mới khu vực phía nam, phía tây của tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp gắn với làng quê, làng nghề truyền thống…
Đặc biệt, Sở VH-TT&DL sẽ thực hiện việc nghiên cứu thị trường, xây dựng chiến lược quảng bá xúc tiến du lịch Quảng Nam đến năm 2025, bên cạnh tiếp tục tập trung quảng bá, xúc tiến tại các thị trường du lịch chiến lược, truyền thống như Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc, Nhật Bản, Ấn Độ…, đồng thời đẩy mạnh liên kết vùng Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, miền Trung - Tây Nguyên và các trung tâm du lịch lớn cả nước… Ngoài ra, cũng sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra những nơi, lĩnh vực nhạy cảm như rừng dừa Cẩm Thanh, Cù Lao Chàm, hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên; giá cả và chất lượng dịch vụ du lịch… “Theo phân kỳ năm 2019, Quảng Nam sẽ đón 7,3 triệu lượt khách, tiếp đến đón thêm 700 lượt khách nữa vào năm 2020 để hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách vào năm 2020 như Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy đề ra. Để thực hiện được kết quả này cần đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng sản phẩm, khắc phục sự thiếu hụt nguồn lao động; môi trường du lịch đến thúc đẩy mở rộng không gian du lịch nhằm mang đến nhiều lựa chọn cho khách khi đến Quảng Nam” - ông Tường phân tích.
KHÁNH LINH