(QNO) - Ngay từ ngày đầu năm 2022, nhiều quốc gia trên thế giới chính thức áp dụng quy định nghiêm ngặt để hạn chế rác thải nhựa.
Theo Luật Môi trường mới có hiệu lực tại Pháp, nước này cấm sử dụng màng ni lông để đóng gói cho khoảng 30 loại trái cây bao gồm tỏi tây, cà rốt, cà chua, khoai tây, táo, lê, dưa chuột, chanh, cam, ớt… Thay vào đó, những loại củ quả này được bọc bằng vật liệu có thể tái chế, thân thiện môi trường.
Bọc ni lông vẫn được phép dùng cho các loại trái cây dễ vỡ hơn như quả mọng và quả đào, nhưng sẽ bị loại bỏ dần trong những năm tới.
Tạp chí và các ấn phẩm khác cũng được vận chuyển mà không có bao bì nhựa. Các nhà hàng thức ăn nhanh sẽ không còn được phép cung cấp đồ chơi nhựa miễn phí cho trẻ em…
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, quy định trên nhằm góp phần loại bỏ các loại nhựa hay túi ni lông sử dụng một lần khi tình trạng ô nhiễm nhựa ngày càng trầm trọng trên toàn cầu.
Pháp kỳ vọng quy định mới sẽ loại bỏ khoảng 1 tỷ mặt hàng rác thải nhựa mỗi năm.
Tương tự, kể từ ngày 1.1.2022, túi mua sắm bằng ni lông sẽ không còn được phép sử dụng tại các cửa hàng thanh toán của Đức. Đức cho biết, lệnh cấm trên nhằm mục đích nâng cao nhận thức của người tiêu dùng khi có nhiều lựa chọn thay thế thân thiện với môi trường hơn.
Vào tháng 7 năm ngoái, Chính phủ Đức cấm việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần như ống hút, dao dĩa, que khuấy, tăm bông. Cạnh đó, cốc đựng đồ uống và hộp đựng thức ăn làm từ xốp cũng bị cấm.
Bộ Kinh tế và phát triển bền vững Crotia tuyên bố, túi nhựa có độ dày từ 15 đến 50 micron sẽ không còn được sử dụng ngay từ ngày đầu tiên năm 2022 và các loại túi nhựa khác sẽ bị loại bỏ dần trong giai đoạn tiếp theo. Điều này bao gồm hầu hết các túi được sử dụng trong mua sắm hằng ngày.
Vancouver và 9 thành phố khác ở vùng British Columbia của Canada cấm túi nhựa sử dụng một lần.
Như vậy, người mua sắm sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc thay đổi hành vi của họ vào năm 2022 khi lệnh cấm túi này đi vào hiệu lực. Thay vào đó, người mua sắm phải tính phí tối thiểu 15 xu cho túi giấy và 1 USD cho túi tái sử dụng.
Nhà bảo vệ môi trường Laura Hardman tại Canada nói, việc thay đổi có thể gây bất tiện cho một số người nhưng mọi thứ sẽ dần quen. Môi trường ô nhiễm ảnh hưởng tiêu cực đến hành tinh và sức khỏe của chính chúng ta.
Như vậy, trên khắp Canada, hơn 70 thành phố thông qua các lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa hay túi ni lông sử dụng một lần.