Thêm quy định để rõ hơn trách nhiệm

HÀN GIANG 28/08/2017 08:38

Thực hiện trách nhiệm của đại biểu dân cử, trong thời gian qua, hoạt động tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND các cấp của tỉnh được thực hiện thường xuyên và nền nếp, với hình thức đa dạng, phong phú...

Các ĐBQH (khóa XIV) tỉnh tiếp xúc cử tri huyện miền núi Đông Giang sau Kỳ họp thứ 3, vào tháng 6.2017. Ảnh: Đ.N
Các ĐBQH (khóa XIV) tỉnh tiếp xúc cử tri huyện miền núi Đông Giang sau Kỳ họp thứ 3, vào tháng 6.2017. Ảnh: Đ.N

Phát huy quyền dân chủ trực tiếp

Từ năm 2013 đến nay, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các địa phương, công đoàn các ngành liên quan tổ chức 18 đợt TXCT định kỳ trước và sau các kỳ họp Quốc hội tại 165 điểm trên địa bàn tỉnh; 12 cuộc TXCT chuyên đề; 7 cuộc TXCT theo đối tượng và 1 buổi TXCT tại nơi công tác của ĐBQH. Các cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng đều có chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực, thu thập được nhiều ý kiến, kiến nghị hết sức tâm huyết, làm cơ sở quan trọng để ĐBQH tham gia thảo luận các vấn đề quan trọng của đất nước; góp ý xây dựng chính sách, pháp luật sát đúng nguyện vọng của cử tri.

Theo Đoàn ĐBQH tỉnh, bên cạnh việc TXCT tại đơn vị ứng cử, các đại biểu còn TXCT tại các đơn vị bầu cử khác trong tỉnh. Đối với TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực và theo đối tượng, việc lựa chọn nội dung, đối tượng tiếp xúc được Đoàn ĐBQH và ĐBQH bám sát chương trình hoạt động của Quốc hội, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế tại địa phương. Chương trình TXCT được thực hiện theo đúng trình tự quy định tại Điều 20 Nghị quyết 525 (ban hành ngày 27.9.2012). Trong đó, đã dành nhiều thời gian để cử tri bày tỏ nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất của mình, phát huy tối đa quyền dân chủ trực tiếp của cử tri..., những vấn đề thuộc thẩm quyền giải quyết của Trung ương được ĐBQH tỉnh tiếp thu, ghi nhận, kiến nghị giải quyết. Tham dự các buổi TXCT còn có đại diện lãnh đạo một số sở, ban ngành của tỉnh và Thường trực HĐND, UBND các cấp nên nhiều vấn đề bức xúc thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương đã được xem xét, xử lý kịp thời.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình khẳng định, sau mỗi buổi TXCT, ĐBQH tỉnh ghi nhận đầy đủ các ý kiến, kiến nghị của cử tri; đồng thời giải thích, giải đáp những vấn đề mà cử tri nêu tại buổi tiếp xúc. Một số nội dung còn có ý kiến khác nhau được các ĐBQH tỉnh thể hiện rõ quan điểm cá nhân, làm rõ những vấn đề mà cử tri yêu cầu trong vai trò, trách nhiệm của mình. Trên cơ sở đó, Đoàn ĐBQH tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổng hợp, phân loại ý kiến, kiến nghị của cử tri và chuyển ý kiến, kiến nghị của cử tri đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Đối với những vấn đề mà cử tri kiến nghị nhiều lần vẫn chưa được xem xét giải quyết thỏa đáng, Đoàn ĐBQH tỉnh ban hành văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tập trung giải quyết.

Có thể thấy, thời gian qua, ngoài việc TXCT theo quy định, trước các kỳ họp Quốc hội, Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đơn vị, ngành liên quan để nghe báo cáo tình hình kinh tế - xã hội; những vấn đề vướng mắc, bất cập của cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội. Tại các buổi làm việc này ĐBQH còn đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan xem xét giải quyết một số vấn đề bức xúc qua ý kiến, kiến nghị của cử tri nhưng kéo dài hoặc chưa được giải quyết thỏa đáng và đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh tăng cường trách nhiệm trong việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Đoàn ĐBQH và ĐBQH theo quy định của pháp luật. “Trong 5 năm qua, đoàn ĐBQH tỉnh đã chuyển 726 ý kiến, kiến nghị của cử tri đến các ngành chức năng, địa phương giải quyết, trả lời theo thẩm quyền. Qua theo dõi, việc trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri được nhiều bộ, ngành Trung ương và các cấp chính quyền địa phương thực hiện nghiêm túc, tránh nhiệm. Nhiều vụ việc cụ thể được chỉ đạo giải quyết kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, củng cố lòng tin trong nhân dân” - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Thái Bình nói.

Tăng cường trách nhiệm

Bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá của Đoàn ĐBQH tỉnh và Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy việc tổ chức TXCT vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Theo đó, việc tổ chức TXCT chưa được bố trí đều khắp trên địa bàn tỉnh; trong mỗi nhiệm kỳ, rất ít các xã, phường, thị trấn được tổ chức TXCT hai lần trở lên. Do vậy, cử tri một số nơi chưa được TXCT đối với ĐBQH, một số cử tri cho rằng ý kiến, kiến nghị của mình chỉ được ĐBQH ghi nhận, tiếp thu nhưng không thấy quay trở lại thông báo kết quả giải quyết. Điều này vừa làm cho mối quan hệ giữa cử tri và ĐBQH chưa được chặt chẽ, vừa chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm của ĐBQH trong việc theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, trả lời ý kiến, kiến nghị cử tri, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với người đại biểu dân cử. Bên cạnh đó, còn có một số ý kiến, kiến nghị của cử tri chỉ được các bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trả lời theo kiểu “ghi nhận, tiếp thu”, giải quyết chưa thỏa đáng. Nhiều ý kiến của cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được trả lời, hoặc trả lời chung chung, chưa rõ trách nhiệm, gây bức xúc trong nhân dân như: vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng (nhất là vật tư nông nghiệp); an toàn thực phẩm; hàng nông sản thường xuyên “được mùa, mất giá”; tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số khu, cụm công nghiệp; nạn quy hoạch “treo”; đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu xã hội, dẫn đến thất nghiệp, gây lãng phí xã hội; đạo đức xã hội nhiều nơi xuống cấp; tình trạng tham nhũng, lãng phí; việc cải cách tổ chức bộ máy hành chính cấp xã...

Từ thực tiễn hoạt động TXCT, Đoàn ĐBQH tỉnh đã kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 525 nhằm cải tiến nội dung, phương thức, chương trình TXCT của ĐBQH theo hướng: Quy định cụ thể mỗi năm tổ chức bao nhiêu cuộc TXCT theo chuyên đề, lĩnh vực, theo đối tượng trước các kỳ họp Quốc hội. Quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương tham dự các buổi TXCT, trả lời trực tiếp ý kiến, kiến nghị liên quan. Đồng thời yêu cầu mỗi ĐBQH hàng năm phải TXCT ở các xã tại đơn vị bầu cử nơi mình ứng cử, để cử tri giám sát việc thực hiện chương trình hành động của ĐBQH đã hứa với cử tri. Đặc biệt, quy định người đại biểu dân cử có trách nhiệm báo cáo trước cử tri kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị tại lần tiếp xúc trước...

Thống nhất với các kiến nghị trên, ông Nguyễn Phi Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng: “Cần đổi mới hơn nữa hoạt động TXCT bằng việc quy định ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri địa phương tại các lần tiếp xúc trước (hiện nay nội dung này không bắt buộc). Thực hiện tốt quy định này sẽ tăng cường trách nhiệm của đại biểu dân cử đối với cử tri, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động TXCT; hạn chế tình trạng cử tri cảm thấy bị nhàm chán khi các kiến nghị, đề xuất không được giải quyết, trả lời thỏa đáng”.

ĐBQH có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện chương trình hành động

Theo quy định của Nghị quyết liên tịch số 525, ĐBQH có trách nhiệm TXCT theo định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội; chủ động TXCT nơi cư trú, nơi làm việc, theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng, địa bàn mà đại biểu quan tâm; gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri để nắm bắt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri; theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Để thực hiện điều đó, ĐBQH phải xây dựng chương trình, kế hoạch TXCT 6 tháng, hàng năm, xác định rõ thời gian, địa bàn, nội dung và hình thức tiếp xúc gửi đến Đoàn ĐBQH để xây dựng chương trình, kế hoạch chung của đoàn; thực hiện sự phân công của Đoàn ĐBQH về việc TXCT. Đồng thời mỗi năm ít nhất một lần, ĐBQH kết hợp với việc TXCT báo cáo cho cử tri ở đơn vị bầu cử ra mình về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động của mình đã hứa trước cử tri.

Về phần mình, cử tri có quyền dự các cuộc tiếp xúc giữa ĐBQH với cử tri tại nơi mình sinh sống hoặc công tác để nêu ý kiến, kiến nghị về các vấn đề mà cử tri quan tâm; có thể trực tiếp hoặc thông qua Ủy ban MTTQ Việt Nam ở địa phương yêu cầu ĐBQH báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ đại biểu và chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri và góp ý kiến với ĐBQH. (T.S)

HÀN GIANG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thêm quy định để rõ hơn trách nhiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO