Thông qua hoạt động kết nghĩa, nhiều đơn vị, địa phương đã giúp người dân khó khăn ở miền núi có thêm điều kiện tiếp cận phương thức sản xuất mới, ổn định sinh kế.
Đổi mới phù hợp
Sau thời gian trồng và chăm sóc, hơn 300 gốc chanh không hạt của gia đình ông Phạm Hoàng Lực (thôn 2, xã Phước Chánh, Phước Sơn) đã bắt đầu cho trái. Đây là thành công bước đầu của mô hình trồng chanh không hạt được hỗ trợ từ chương trình kết nghĩa của Ban Dân tộc tỉnh và các đơn vị phối hợp với xã Phước Chánh.
Mô hình này không chỉ giúp gia đình ông Lực có cơ hội phát triển kinh tế, mà còn tác động đến nhận thức người dân địa phương về đổi mới phương thức sản xuất phù hợp với điều kiện tại chỗ.
Ông Lực cho biết, không chỉ hỗ trợ giống cây, kể từ khi thực hiện thí điểm mô hình, gia đình ông luôn nhận được sự hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc từ các đơn vị kết nghĩa. Qua hơn một năm, vườn chanh bắt đầu ra trái.
“Với mô hình trồng, chăm sóc loại cây chanh không hạt này, chúng tôi nhận thấy khả năng sinh trưởng tốt, rất phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Hy vọng đây sẽ là giống cây mới giúp người dân mở hướng thoát nghèo” - ông Lực chia sẻ.
Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cây chanh không hạt, ông Lực đang tính toán đến việc mở rộng quy mô diện tích, kết hợp trồng với một số loại sản vật khác của vùng cao để phát triển kinh tế.
Ông Lực hy vọng sau vài năm nữa, quả chanh không hạt không chỉ phục vụ nhu cầu của người dân địa phương, mà sẽ trở thành sản phẩm hàng hóa cung ứng thị trường trong và ngoài tỉnh.
Hay như gia đình ông Hồ Văn Thương (thôn 2, xã Phước Chánh) được Ban Dân tộc tỉnh hỗ trợ giống heo đen để chăn nuôi tập trung. Sau hơn một năm chăm sóc, ông Thương có trong tay đàn heo gần chục con, chuẩn bị bán ra thị trường.
Để nhân rộng mô hình chăn nuôi hiệu quả, ông Thương mong muốn các cấp ngành, đặc biệt là các đơn vị, địa phương kết nghĩa tiếp tục hỗ trợ, tạo sinh kế mới phù hợp nhu cầu của người dân, giúp họ có thêm điều kiện phát triển, mở hướng thoát nghèo trong tương lai không xa.
Mở hướng thoát nghèo
Ông Hồ Văn Huy - Chủ tịch UBND xã Phước Chánh cho biết, ngoài mô hình trồng chanh không hạt, nhiều năm qua, thông qua hoạt động kết nghĩa, Ban Dân tộc tỉnh cùng các đơn vị phối hợp còn hỗ trợ người dân địa phương phát triển chăn nuôi heo đen, bò sinh sản, cùng một số mô hình phát triển kinh tế mới.
Qua đánh giá, nhiều mô hình đang cho kết quả khá khả quan nên địa phương kỳ vọng sẽ tạo ra giá trị kinh tế thực sự giúp người dân có thêm nhu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững.
Theo ông Đặng Tấn Giản - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh, để nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu sâu hơn về hiệu quả đem lại từ các mô hình kinh tế mới, thông qua các buổi tuyên truyền, đơn vị phối hợp địa phương kết nghĩa tổ chức tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ năng, phương pháp chăn nuôi, trồng trọt gắn với áp dụng công nghệ. Nhờ đó, nhiều mô hình tăng trưởng nhanh chóng, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập ổn định.
“Chúng tôi kết hợp nhiều chương trình cùng một lúc nhằm tạo hiệu quả kép trong phát triển kinh tế cho người dân địa phương kết nghĩa. Đây là việc làm nhằm từng bước đổi mới phương thức hoạt động kết nghĩa theo Chỉ thị 16 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, góp sức cho nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ở đồng bào miền núi” - ông Giản nói.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 95 cơ quan đơn vị, địa phương, doanh nghiệp kết nghĩa với 67 xã thuộc 9 huyện miền núi với giá trị nguồn lực thực hiện hằng năm ước khoảng 20 tỷ đồng.
Mới đây, nhằm tạo bước đột phá, nâng cao hiệu quả công tác kết nghĩa, giúp đỡ các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 9295 về thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn 6 huyện miền núi (gồm Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Bắc Trà My, Nam Trà My và Phước Sơn).
Thông qua thí điểm mô hình chăn nuôi bò và dê sinh sản; hỗ trợ mô hình khởi nghiệp trong công tác kết nghĩa; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ cơ sở và mô hình xây dựng thôn văn minh - kiểu mẫu, kế hoạch nêu trên nhằm hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo nhanh, bền vững; ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số...