Trong dịp Tết Đoan Ngọ, nhiều nhà ở thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc lại bắt đầu thu xếp công việc khẩn trương chuẩn bị làm bánh ú tro cung ứng ra thị trường.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xí (khu 7, thị trấn Ái Nghĩa) quanh năm quần quật với ruộng đồng, thu nhập vừa đủ chắt chiu cho cuộc sống thường ngày. Hôm nay lại thu xếp dừng hết công việc đồng áng, bắt tay vào việc chuẩn bị làm bánh ú tro để kiếm thêm thu nhập. Đang vuốt một thau nếp to, chị Xí cho biết gia đình bắt đầu chuyển qua nghề làm bánh ú tro dịp mồng Năm đã được 10 năm rồi. “Chẳng biết nghề này bắt đầu từ ai, từ bao giờ, chỉ biết các cụ hồi xưa làm rồi truyền cho con cháu, gia đình chị cũng từ đó mà làm hơn 10 năm nay. Một mùa bánh, gia đình làm được khoảng 4.500 cái bánh, ước tính thu nhập khoảng 30 triệu đồng nhưng còn tùy thuộc vào giá thị trường”.
Các em nhỏ cũng phụ giúp làm bánh để kiếm thêm khoản thu nhập cho gia đình. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG |
Cũng giống như gia đình chị Xí, gia đình anh Nguyễn Văn Học (khu Trung An, thị trấn Ái Nghĩa) dịp này cũng tất bật chuẩn bị gói bánh. Anh Học cho biết nghề này nhìn vậy nhưng rất khó, để làm ra được một chiếc bánh ú tro vừa thơm, vừa ngon thì phải kỹ lưỡng từ khâu đầu đến khâu cuối. Từ việc ngâm nếp, vuốt nếp cho đến gói bánh và buộc dây. “Nếu cất nước than không đúng, hòa số lượng vỏ nghêu nung không đủ, ngâm nếp không đủ thời gian thì bánh sẽ không đẹp màu, sẽ không ngon. Gói lá cũng vậy, phải đều cạnh, kỹ lá, buộc dây phải đúng, không thì bánh sẽ rất dễ bị vô nước. Tuy không làm nhiều, mỗi mùa bánh gia đình có thể thu nhập 5 triệu đồng” - anh Học cho biết thêm.
Nghề làm bánh ú tro tuy không thường xuyên nhưng có thể được xem là nghề truyền thống, không bị mai một và giúp cho bà con nơi đây có thêm một khoản thu nhập mỗi dịp Tết Đoan Ngọ về.
ĐÔNG DƯƠNG